Bóng bàn Việt Nam trước quy định sử dụng VĐV ngoại: Xu thế tất yếu

Lần đầu tiên tại giải Cây vợt vàng lần thứ 24, tổ chức năm 2010 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bóng bàn Việt Nam (BBVN) tiến hành thử nghiệm việc sử dụng VĐV ngoại. Ngay lập tức, những hiệu ứng tích cực từ xu thế này đã mang lại màu sắc tươi mới và cũng đặt ra nhiều vấn đề cho bóng bàn nước nhà.

Thử nghiệm thành công

Năm 2010, việc PetroVietnam và Vietsovpetro được Liên đoàn BBVN đồng ý cho sử dụng cầu thủ ngoại đã thực sự tạo ra một điểm nhấn trong sự phát triển bóng bàn nước nhà. Trưởng đoàn bóng bàn Petro Việt Nam Trương Thới Nhiệm khi đó không khỏi hồ hởi: “Việc có các tay vợt ngoại trong đội hình giúp các nội binh trong đội như Kiến Quốc, Ngọc Thuận có nhiều cơ hội thi thố tài năng với nhiều cây vợt mạnh khác nhằm nâng cao kinh nghiệm và thỏa chí đam mê. Chỉ có vậy mới hy vọng nâng chất hơn nữa cho các tay vợt Việt Nam vốn đã chững lại do thiếu cơ hội cọ xát với những tay vợt nước ngoài có trình độ cao hơn”. Thực ra ý tưởng sử dụng VĐV ngoại đã có nhiều năm rồi với những nhà quản lý BBVN. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào và thời gian nào áp dụng lại không hề đơn giản. Qua hai lần hội nghị Ban chấp hành năm 2009 và 2010, tất cả các thành viên đều hoan nghênh việc áp dụng thử nghiệm tại giải Cây vợt vàng. Đó là thời điểm rất thích hợp bởi sự phát triển các CLB bóng bàn ở Việt Nam đã lên tầm mức mới, giàu tính xã hội hóa và chuyên nghiệp hơn. TTK Liên đoàn BBVN Phạm Đức Thành cho biết: "Ở khu vực, Xinhgapo là nước đã thuê toàn bộ các VĐV nước ngoài ở giải chuyên nghiệp. Ở Việt Nam thì không thể như thế được nhưng chắc chắn muốn thúc đẩy phong trào bóng bàn đi lên, việc thuê ngoại binh là một tất yếu".

Cuộc thử nghiệm thành công của PetroVietnam và Vietsovpetro là bước chạy đà tốt kích thích lan tỏa tới các tập đoàn kinh tế, ngành, địa phương khác cho quá trình xã hội hóa môn bóng bàn, điều mà các môn bóng đá, bóng chuyền đã thực hiện thành công.

Thuận lợi và khó khăn

Tất nhiên, cái gì cũng có khó khăn và thuận lợi, nhưng trong vấn đề này, việc áp dụng thuê VĐV nước ngoài sẽ thuận lợi hơn nhiều. Theo ông Thành, điều này đòi hỏi VĐV trong nước phải tiến bộ, đồng thời giải quyết chế độ chính sách đầu ra, công bằng trong môi trường phát triển tài năng vì thể thao có tính cạnh tranh lớn. Các CLB bóng bàn trực thuộc các sở, ngành do kinh phí hạn hẹp, nên người tài năng nhiều cũng như người tài năng kém hơn đều được hưởng chế độ đãi ngộ như nhau, nhưng giờ đã khác. Ai giỏi hơn, người đó phải được hưởng nhiều hơn và ngược lại. Và các đội cũng phải làm hết sức mình để bảo vệ vị trí chứ không ổn định như trước được. Trình độ VĐV Việt Nam sẽ nâng lên vì được thi đấu trong môi trường có trình độ cao hơn trước. Nói cách khác, các tay vợt Việt Nam sẽ có nhiều giải đấu để nâng cao trình độ và ở một khía cạnh nào đó, chính bản thân họ cũng phải nỗ lực hết mình để có một suất thi đấu trong đội hình, khi mà sự xuất hiện của các ngoại binh sẽ mang lại môi trường cạnh tranh không nhỏ.

Để tiến lên bóng bàn chuyên nghiệp không phải ngày một ngày hai. Không phải đội nào cũng có tiền. Và có tiền rồi chưa chắc đã tìm được VĐV nước ngoài giỏi. Tìm được rồi nhưng họ có chịu đầu quân hay không lại là một chuyện khác. Một khó khăn nữa đó là quy định như thế nào về số lượng VĐV ngoại ở trong một đội hình? Bóng bàn khác bóng đá và bóng chuyền là có cả nội dung đơn, đôi và đồng đội? Đây là một bài toán mang tính đặc thù. Dự kiến, tỷ lệ VĐV nước ngoài được đăng ký tham gia và đăng ký thi đấu không quá 50% tổng số VĐV dự từng nội dung của CLB ấy.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng kế hoạch này sẽ sớm được triển khai, vì đây là xu thế phát triển tất yếu của một nền bóng bàn muốn tiến lên chuyên nghiệp.

Anh Chi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN