Bố em chết vì... ung thư tử cung!?

Trong lúc ở Công viên Lê Văn Tám đang diễn ra Hội sách TP.HCM lần thứ 7 với hàng loạt kỷ lục vàng: 850.000 lượt người tới hội chợ, đã tiêu thụ khoảng 1,2 triệu cuốn sách, trong đó có những cuốn tiêu thụ tới 10.000 bản chỉ trong mấy ngày hội chợ, thì trên một trang web văn chương, người ta phát hiện ra cuốn sách dịch mắc một kỷ lục đen: tới 3.000 lỗi, và đó lại là tác phẩm được xuất bản với sự hỗ trợ của Trung tâm sách quốc gia thuộc Bộ Văn hóa Pháp!

Bất ngờ đến không thể ngờ

“Dịch loạn” vốn là chuyện không mới trong làng xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, với Bản đồ và vùng đất của tác giả Michel Houellebecq, cuốn sách lập “kỷ lục” về “dịch loạn” nói trên, thì quả là một sự bất ngờ đến không thể ngờ với nhiều bạn đọc đã biết đến, đã yêu thích, thậm chí là fan của đơn vị xuất bản - Công ty văn hóa Nhã Nam và NXB Văn học, nơi đã cho ra thị trường rất nhiều đầu sách văn học có giá trị. Bất ngờ hơn nữa, một “kho lỗi” trong dịch thuật như vậy, lại nhờ một trang web văn chương tại hải ngoại phát hiện, được liệt kê, đối chiếu và so sánh giữa bản dịch với bản gốc chi li trong 5 bài viết, chứ không phải từ một cây bút phê bình văn học trong nước. Mà thật ra, nếu chỉ là một bạn đọc bình thường, không biết Pháp ngữ (ngôn ngữ gốc của tác phẩm) và cũng không có tác phẩm gốc trong tay, cũng có thể đặt nhiều dấu hỏi nghi ngờ ngay từ bản tiếng Việt của tác phẩm này, vì bản dịch đầy sự lộn xộn, lủng củng trong cách hành văn. Ngay từ những dòng chữ đầu tiên, Lời cảm ơn của Houellebecq, được dịch đầy “đánh đố” như thế này: “Thường thì tôi không có ai để cảm ơn, vì tôi ít khi đi tìm tài liệu, thậm chí là rất ít khi, mặc dù người ta cứ hay so sánh tôi với một tác giả người Mỹ. Nhưng lần này, tôi rất ấn tượng và rối trí trước ngành cảnh sát, và thấy có lẽ cần thu thập thông tin nhiều hơn”. Những kiểu diễn đạt rối rắm, rời rạc nhiều khi chẳng liên quan gì tới nhau ngay trong một câu hoặc một đoạn văn như thế xuất hiện không ít lần. Thế thì tại sao một bản dịch có vấn đề như vậy lại có thể vượt qua các vòng kiểm định chặt chẽ trong khâu xuất bản trước khi được tung ra thị trường, bán đến tay bạn đọc như một sản phẩm hoàn hảo?

Chủ tịch Công ty văn hóa Nhã Nam, người chịu trách nhiệm về bản dịch Bản đồ và vùng đất cho rằng chính mình cũng bất ngờ. “Nhã Nam chưa bao giờ gặp phải tình huống thế này” và “chính các biên tập viên cũng không ngờ vì đội ngũ biên tập của Nhã Nam chuyên về dịch, làm việc khá kỹ và đều là dịch giả”. Tuy vậy, trên bản in tiếng Việt cuốn Bản đồ và vùng đất chỉ có tên biên tập viên của NXB Văn học là Trịnh Thị Diệu mà không có sự tham gia của biên tập viên của Nhã Nam (ngoài tên người sửa bản in). Như vậy, khâu biên tập Bản đồ và vùng đất đã bị Nhã Nam bỏ qua?


Sau Hạt cơ bản đến Bản đồ và vùng đất, đều của nhà văn Pháp Michel Houellebecq, bị cho là mắc nhiều lỗi dịch thuật.


Hay chuyện chả có gì bất ngờ?

Thật ra thì từ lâu trên mạng xã hội người ta đã truyền tụng tài năng ngôn ngữ của người dịch tác phẩm “kỷ lục lỗi” nói trên, ở một tác phẩm khác, Hạt cơ bản, cũng của tác giả Michel Houellebecq, bằng một dẫn chứng “bất hủ”: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói, “Ung thư tử cung” (bố nàng cũng có tử cung như đàn bà?). Trên trang web văn chương hải ngoại nói trên, nhiều bài viết cũng đã mổ xẻ những lỗi dịch trong nhiều tác phẩm khác, của nhiều dịch giả khác cũng do Công ty văn hóa Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành. Những phát hiện từ bạn đọc như vậy dường như đã bị đơn vị xuất bản - nói cách khác, chính là nhà sản xuất của những sản phẩm văn hóa đọc này - bỏ ngoài tai, không buồn quan tâm. Bởi những ai quan tâm tới chuyện này đều không bất ngờ với “tai nạn” Bản đồ và vùng đất giống như Giám đốc Công ty văn hóa Nhã Nam và nếu là nhà xuất bản quan tâm tới chuyện này thì công tác biên tập đã không bị bỏ qua dễ dàng như thế. Và nếu thực sự coi trọng độc giả và sự phản hồi của họ, thì đơn vị này và NXB Văn học đã không thể lừng khừng và thậm chí bất nhất trong việc vào cuộc “giải quyết khủng hoảng” như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua.

Ngày 27/2, bài viết đầu tiên chỉ ra những lỗi sai ngớ ngẩn trong cuốn Bản đồ và vùng đất được đăng tải. Chiều ngày 15/3, trả lời phỏng vấn của phóng viên TT&VH Cuối tuần về quan điểm cũng như hướng xử lý của công ty đối với tác phẩm này, ông Nhật Anh, Chủ tịch Công ty Nhã Nam, cho rằng:

“Việc thẩm định cuốn sách này không đơn giản và đơn vị xuất bản cần thêm thời gian để đưa ra kết luận trên cơ sở xem xét lại cuốn sách”. Trong khi đó, website của Nhã Nam đăng thông báo ký tên ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó giám đốc, cho hay: Đơn vị liên kết xuất bản quyết định tạm dừng việc phát hành cuốn sách kể từ ngày 15/3/2012 để tiến hành kiểm định toàn bộ bản dịch. Tuy vậy, thông báo này sau đó đã không còn tồn tại trên website. Còn theo Báo Tuổi Trẻ thì thông báo này được phát ra trong thời gian diễn ra Hội sách TP.HCM 2012, từ ngày 19/3 đến ngày 25/3. Nhưng phía NXB Văn học, bà Nguyễn Bích Hảo, người chịu trách nhiệm xuất bản, cùng thời điểm này vẫn trả lời TT&VH Cuối tuần, Bản đồ và vùng đất còn chưa nộp lưu chiểu và chưa phát hành, nếu sách đang có bán trên thị trường thì chỉ là… sách lậu (!).

Anh Tạch của ngành xuất bản

Câu chuyện ông Hà Thúc Lang (người phát hiện 3.000 lỗi dịch cuốn Bản đồ và vùng đất), Công ty Nhã Nam, NXB Văn học và “thảm họa dịch thuật của năm 2012” khiến người ta không khỏi liên tưởng tới anh kỹ sư Tạch, người đã tố Công ty ô tô Toyota che giấu lỗi kỹ thuật một số xe bán ra thị trường. Chuyện xe có lỗi trong quá trình sản xuất cũng là thường, nước Mỹ thường xuyên có thông tin nhà sản xuất triệu hồi xe để kiểm tra, thay thế… do phát hiện lỗi (mà lỗi này chủ yếu do người tiêu dùng phát hiện trong quá trình sử dụng). Có điều, khi bị tố, các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài phải lập tức vào cuộc, ra thông báo triệu hồi xe có lỗi, đồng thời xin lỗi, thậm chí bồi thường cho người tiêu dùng. Ở ta, văn hóa “xử lý khủng hoảng” đầu tiên là chối bay chối biến, không thừa nhận, hoặc lờ đi tới chừng nào còn có thể lờ được. Một chiếc xe có lỗi đưa ra sử dụng nó có thể làm mất an toàn cho người sử dụng. Một cuốn sách bị dịch làm biến dạng, nó cũng mất an toàn về tri thức, văn hóa cho người đọc.

Đáng buồn thay, nạn dịch loạn từ lâu đã được báo động, vậy mà bố em vẫn cứ phải chết vì ung thư tử cung!


Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN