Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, theo thời gian, các di tích dần xuống cấp và việc phát huy giá trị cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của chính quyền cũng như sự chung tay góp sức từ người dân địa phương.
Nhiều di tích có giá trị tiêu biểu được bảo tồn và trùng tu
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã tu bổ 42 lượt di tích với tổng kinh phí trên 114 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động. Việc trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa, qua đó góp phần gìn giữ nét kiến trúc lâu đời của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) được xây dựng từ năm 1820. Năm 1996, Di tích được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Trải qua gần 2 thế kỷ, một số chi tiết kiến trúc nơi đây đã bị hư hỏng và trùng tu nhiều lần.
Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành văn hóa, Ban Quản lý di tích và sự đóng góp từ người dân địa phương, đến nay, Di tích Lăng Ông vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc xưa quý giá như: Lăng mộ ông Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân, các bức hoành phi, hình tượng cá chép hóa rồng, lưỡng long tranh châu…
Ông Trần Văn Bảy, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lăng Ông cho biết, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là người có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng.
Từ bao đời nay, cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer trong vùng đã tôn ông như một vị thần bảo vệ và che chở cho người dân sinh sống; các thế hệ cứ nối tiếp nhau đóng góp, chăm sóc, thờ phụng, bảo tồn Di tích Lăng Ông.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2018, người dân địa phương đã ủng hộ gần 1 tỷ đồng để kịp thời sửa chữa nhỏ đối với những phần di tích bị xuống cấp, tổ chức các lễ giỗ, lễ hội. Ngoài ra, người dân còn thường xuyên đóng góp ngày công để xây dựng cảnh quan khuôn viên di tích hài hòa, khang trang, đem lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến chiêm bái.
Đến thăm Đình Tân Giai (phường 3, thành phố Vĩnh Long), giờ đây, người dân địa phương đã được ấm lòng hơn khi ngôi đình có lịch sử cổ xưa nhất tỉnh đã được trùng tu và phục hồi nét uy nghiêm. Phó Ban Quản lý di tích Đình Tân Giai Võ Phi Hùng cho biết, đình được xây dựng vào thời vua Gia Long, được hình thành như một nhu cầu văn hóa của thôn làng trong quá trình khai hoang, lập ấp.
Qua bao thăng trầm, thiên tai, địch họa, ngôi đình từng rơi vào tình trạng hoang sơ. Năm 1997, người dân địa phương dọn dẹp đình và cúng tế trở lại. Năm 2006, Đình Tân Giai được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Những năm tiếp sau đó, đình được trùng tu lại một số hạng mục và dần phục hồi lại nét uy nghiêm, cổ kính. Năm 2019, chính quyền địa phương và ngành văn hóa đã hỗ trợ củng cố nhân sự Ban Quản lý đình với nhiều thành viên trẻ kế thừa, đồng thời, mở rộng đường vào đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các lễ hội Đình Tân Giai khởi sắc hơn.
Ngoài ra, hoạt động liên quan đến đình cũng nhận được nhiều sự đóng góp của người dân, nhờ đó đã kịp thời sửa chữa những phần bị xuống cấp, thực hiện tốt việc bảo quản các chi tiết, vật thể quý giá.
Bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích đã được công nhận, thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long cũng tích cực khảo sát, lập hồ sơ để công nhận xếp hạng đối với các di tích có giá trị lịch sử nhưng chưa được công nhận. Giai đoạn 2014-2018, toàn tỉnh đã có 17 di tích được xếp hạng. Trong năm 2019, ngành tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận 5 di tích lịch sử cấp tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích từng là nơi nuôi giấu, chở che cho cán bộ cách mạng, có ý nghĩa đối với lịch sử phát triển của địa phương và sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tuy nhiên, do nhân chứng lịch sử còn lại quá ít, sử sách chính thống không có ghi chép nên việc sưu tầm tư liệu, công nhận di tích gặp khó khăn. Theo thời gian, các di tích này đã dần xuống cấp và có nguy cơ bị mai một. Chính vì thế, công tác lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đang được ngành khẩn trương triển khai nhằm đủ cơ sở bố trí kinh phí trùng tu theo quy định, qua đó, kịp thời bảo tồn các giá trị của di tích".
Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và lễ hội
Cùng với những hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cũng được tỉnh Vĩnh Long quan tâm. Trong đó, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và lễ hội là giải pháp được địa phương ưu tiên thực hiện.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, phát triển loại hình du lịch tìm hiểu danh nhân, tham quan di tích lịch sử, cách mạng đang là lợi thế của tỉnh. Hiện tại, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm đến du lịch tiêu biểu. Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Văn Thánh Miếu là 1 trong 7 điểm du lịch quốc gia thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đạt hiệu quả cao trong việc khai thác các giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đưa các di tích này vào các tour, tuyến du lịch. Theo đó, hằng năm, các di tích đã đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử các di tích và thân thế, sự nghiệp của các bậc danh nhân trên địa bàn.
Ngoài ra, hằng năm, tỉnh đều trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất các bậc danh nhân ở tỉnh nhằm thể hiện lòng thành kính tri ân của các thế hệ người dân Vĩnh Long. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tọa đàm, giao lưu nói chuyện chuyên đề về thân thế, sự nghiệp các danh nhân cũng thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, người dân địa phương tham dự.
Việc phát huy giá trị di tích còn được gắn kết với công tác xây dựng và nâng cao chất lượng các lễ hội. Toàn tỉnh hiện có gần 1.400 lễ hội ở các di tích, phần lớn do người dân đóng góp kinh phí tổ chức. Thông qua các lễ hội, du khách đến tham quan, chiêm bái và hiểu hơn về giá trị các di tích.
Ngày giỗ Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch hằng năm là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm, có trên 20.000 lượt du khách gần xa về tham dự.
Ông Trần Văn Bảy, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn cho biết, tại lễ giỗ, người dân được tìm hiểu các nghi thức cúng dân gian truyền thống của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer, đồng thời còn có các trò chơi dân gian, từ đó thắt chặt tình đoàn kết của ba dân tộc.
"Cứ mỗi dịp giỗ là đông đảo bà con lại tụ họp về. Có người đến tham quan, chiêm bái, cũng có người đến phụ giúp việc phụng cúng, bếp núc trong suốt hai ngày diễn ra giỗ. Lễ giỗ này đã trở thành nét truyền thống của địa phương, nhiều năm qua được người dân trân quý.
Thông qua các nghi lễ truyền thống và hoạt động văn hóa dân gian nhằm góp phần giáo dục, nhắc nhở con cháu giữ gìn truyền thống, bản sắc của dân tộc, tiếp tục cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị mà cha ông đã để lại”- ông Trần Văn Bảy chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện nay, ngành văn hóa tỉnh đang phối hợp với ngành giáo dục thực hiện phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Theo định kỳ và lịch chăm sóc di tích, các giáo viên đưa học sinh đến quét dọn kết hợp với nói chuyện, sinh hoạt tìm hiểu về di tich lịch sử địa phương.
Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu về lịch sử vùng đất, truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các em, giáo dục các em ý thức được giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp này.
Bài cuối: Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương