Di sản khảo cổ học là những phần còn lại vô cùng quý giá, đa dạng về giá trị nguồn gốc lịch sử dân tộc, mang những sắc thái độc đáo, riêng biệt. Di sản cung cấp cơ sở cho khoa học tính xác thực trong việc làm rõ hơn giá trị lịch sử qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ðiều đáng nói, các di sản, di vật rất dễ bị biến dạng, hư hỏng theo thời gian do tác động của môi trường và con người.
Nhiều di tích, di chỉ bị xâm hại nghiêm trọng
Theo Hội Khảo cổ học Việt Nam, cả nước có khoảng 917 di tích khảo cổ học từ thời kỳ kim khí, tuy nhiên, đến nay, có nhiều di tích bị phá hủy, xâm hại nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn trên giấy. Cụ thể: Di tích Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng và được đặt tên cho văn hóa Phùng Nguyên - giai đoạn đầu tiên của thời đại kim khí; Di tích Hồng Ðà (xã Hồng Ðà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) - một trong những công xưởng đồ sộ chuyên chế tác vòng trang sức đá lớn và tinh xảo xưa; Di tích Tràng Kênh, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng)... Các di tích rừng ngập mặn ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Ðồng Nai) cũng đứng trước những nguy cơ bị hủy hoại một cách nghiêm trọng, nhiều di tích không còn do cư dân địa phương khai hoang làm ao nuôi tôm. Vùng rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là từ nước thải công nghiệp của các khu công nghiệp ở hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: Nhiều di tích, di chỉ khảo cổ sau khi được “lấp cát bảo tồn” đã dần bị lãng quên và cũng dần bị lấn chiếm, xâm hại, thậm chí nhiều di tích đã biến mất. Tình trạng xây dựng trùm lên di tích cũng diễn ra khi còn chưa kịp có những nghiên cứu sâu và đầy đủ cũng là mối đe dọa lớn làm biến dạng hoặc biến mất những tư liệu quý giá dưới lòng đất. Vấn đề đặt ra là cần có một quy hoạch khảo cổ học tỉ mỉ để có thể kiểm đếm và các cơ quan chức năng cần tìm phương án bảo tồn tốt nhất cho các di tích.
“Không chỉ quá trình đô thị hóa với các công trình lớn có thể làm mất đi các di chỉ khảo cổ mà hiện tại còn đang diễn ra một quá trình “trang trại hóa” ở khắp các vùng miền, nhất là những trang trại được đầu tư lớn theo mô hình phát triển sản xuất hàng hóa kết hợp với khai thác kinh tế du lịch và thường ở những vị trí “đắc địa”. Những nơi này cũng thường là điểm chú ý của các nhà khảo cổ học và dự đoán bên dưới có di tích. Những trang trại quy mô lớn ngay liền kề (hoặc thậm chí nằm trên di tích) rất dễ làm hỏng các di chỉ khảo cổ - những di tích không thể tái tạo” Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông trăn trở.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc xóa sổ các di tích là do tình trạng đô thị hóa, công nghiệp hóa quá nhanh, trong khi đó chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan khảo cổ học trong việc triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản khảo cổ học. Mặt khác, nạn săn tìm đồ cổ diễn ra ở khắp nơi, từ các di chỉ Làng Vạc, các mộ Mường, mộ Thái, mộ thuyền đến khu mộ táng trống đồng Ðắk Lắk, các mộ dòng họ Trần ở Ðông Triều (tỉnh Quảng Ninh)… Ðáng chú ý, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thành phố Hà Nội), địa điểm khảo cổ hiếm hoi của cả nước có niên đại tới 3.500 tuổi, cũng đang "kêu cứu".
Ý kiến của các chuyên gia khảo cổ học
Để phát huy các giá trị di sản khảo cổ học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam, đề xuất phương án bảo tồn tổng thể khu Vườn Chuối, đó là: bảo tồn khoanh vùng toàn bộ nửa phía Đông gò Vườn Chuối; các gò còn lại cần được khai quật di dời các di tích khảo cổ; sau đó sẽ trả lại mặt bằng để xây dựng đường và xây dựng khu đô thị. Trong thời gian diễn ra việc khai quật thì di chỉ này cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và cơ quan quản lý cần bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo Luật Di sản văn hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: Sau khi khai quật, hai phương pháp chính bảo tồn là che phủ lớp cát lên hố khai quật, để di vật dưới lòng đất như nguyên trạng; dựng mái che, chắn để bảo vệ di tích, di vật. Tùy theo tính chất và giá trị của khu di tích, các nhà quản lý văn hóa sẽ đưa ra những giải pháp phát huy giá trị di tích khảo cổ học.
Ngoài ra, còn có những cách bảo tồn khác, như: xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa mới khai quật. Cụ thể: Di tích đền Thái (tỉnh Quảng Ninh), chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh), Tòa Cửu phẩm (Côn Sơn, tỉnh Hải Dương); xây dựng công trình mới chồng lên, di tích cũ nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới (chùa Phật Tích ở tỉnh Bắc Ninh); xây dựng mới hoàn toàn trùm lên di tích khảo cổ (Di tích Lam Kinh, Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa; Di tích Quỳnh Lâm, tỉnh Quảng Ninh).
Ðáng chú ý, chùa Ngọa Vân (tỉnh Quảng Ninh) đã được Viện Khảo cổ Việt Nam khai quật làm xuất lộ toàn bộ nền móng còn nguyên vẹn, xác định rõ hình thái cấu trúc có niên đại thuộc thời Lê Trung Hưng. Quá trình chuẩn bị xây dựng lại chùa Ngọa Vân đã nhận được ý kiến của các nhà khoa học là cần làm theo phong cách thời Lê Trung Hưng. Thế nhưng, thật đáng tiếc là khi các nhà khoa học quay trở lại thì ngôi chùa một tuổi được dựng lên, xóa dấu tích của ngôi chùa nổi tiếng có niên đại lâu đời.
Các nhà khảo cổ khác thì cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và quản lý, chuyên gia bảo quản trùng tu, tôn tạo trong công tác bảo vệ cũng như làm mới các di sản. Ðồng thời, phải tuân theo những chuẩn mực khoa học, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học để từ đó công tác bảo tồn cũng như phương pháp và tính sáng tạo về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm phát huy tác dụng. Cần đẩy mạnh công tác kiểm kê di sản khảo cổ học, cần có quy định chặt chẽ việc kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học; rà soát lại việc trùng tu, xây dựng mới các khu di tích sau khai quật. Cần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ học. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn lâu dài, bền vững.
Bài cuối: Khắc phục bất cập pháp lý