Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sỹ Cầm cho biết: Trải qua hơn 300 năm, Cụm di tích Tiên Lục (bao gồm: Chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây Dã hương thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) vẫn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn về kiến trúc, hình dáng và các mảng chạm khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc với nhiều chủ đề độc đáo, phong phú, mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII), như: rồng ổ, rồng lớn, hình con thú, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đấu vật... và đan xen giữa các mảng chạm khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Căn cứ các nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu Hán- Nôm như Cây hương đá (chùa Phúc Quang), hệ thống hoành phi, câu đối, nội dung minh văn trên chuông tại chùa có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) cho biết, "...chùa Phúc Quang vốn là những danh lam cổ tích...".
Cụm di tích Tiên Lục còn sở hữu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như trong chùa Phúc Quang còn bảo lưu gần 100 pho tượng Phật, trong đó, phần lớn là những pho tượng Phật cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX).
Thần tích, Thần sắc làng Tiên Lục ghi rõ: Tiên Lục thờ bốn vị Thành hoàng. Trong đó, có một vị Thành hoàng đặc biệt hơn cả, đó là cây Dã hương cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, đã được nhà vua phong sắc và cho phép thờ tại đình Viễn Sơn. Theo đó, dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), khi nhà vua đi ngang qua vùng này, thấy cây Dã hương to đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”, nghĩa là cây Dã hương to đẹp nhất nước. Cây Dã hương cổ thụ ngàn năm tuổi, độc nhất vô nhị trên thế giới, gắn bó với vùng đất Tiên Lục, với nhân dân nơi đây và đã trở thành nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Không những là minh chứng lịch sử văn hóa, cây Dã hương còn có giá trị khoa học, kinh tế, cũng như trong y học.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã trao đổi, đóng góp ý kiến, cung cấp thêm các tư liệu về Cụm di tích. Trong đó, nhiều ý kiến khẳng định cụm di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc, nghệ thuật, có tiềm năng phát triển du lịch và đủ điều kiện để đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hồ sơ cần nêu rõ điểm đặc biệt của Cụm di tích như: Tượng Phật cổ, cây Dã Hương ngàn năm tuổi, điểm đặc sắc tại lễ hội Tiên Lục... cùng với đó phải sưu tầm đầy đủ các sắc phong; nêu rõ những bảo vật và xác định cụ thể niên đại... Bên cạnh đó chú trọng công tác bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo cảnh quan kết nối các điểm di tích, cảnh quan tổng thể; kiểm soát các hoạt động xây dựng ở khu vực lân cận, đang có nguy cơ làm manh mún cảnh quan chung...
Phát biểu kết thúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sỹ Cầm cho rằng, buổi tọa đàm đã bổ sung nhiều thông tin, tư liệu, làm rõ hơn những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục. Qua đó địa phương sẽ có giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; làm cơ sở để tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ khoa học Cụm di tích Tiên Lục, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.