Ôn lại truyền thống 69 năm Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển, Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập "Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam". Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam.
69 năm hình thành, phát triển, Nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn xa, hội nhập với Nhiếp ảnh thế giới. Đặc biệt trong những năm gần đây, ảnh Việt Nam đã xuất hiện nhiều tại các cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế, ở các châu lục. Hàng ngàn Huy chương các loại của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam từ các cuộc thi ảnh quốc tế, đã mang lại vẻ vang cho đất nước. Việc giao lưu nhiếp ảnh giữa Việt Nam với các nước cũng được phát triển, thông qua việc giao lưu nhiếp ảnh bạn bè đã hiểu hơn, biết hơn về đất nước, con người Việt Nam. Cũng qua đó, nhiếp ảnh Việt Nam đã tiếp thu nhiều về tinh hoa của nhiếp ảnh thế giới.
Đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển đáng kể, đến nay Hội đã có hơn 1.000 hội viên với các thế hệ cầm máy, sinh hoạt ở hầu hết khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động sáng tác nhiếp ảnh của nước ta.
Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam với 78 Chi hội, ở các địa phương còn có các Hội Nhiếp ảnh; Các phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh và một hệ thống câu lạc bộ nhiếp ảnh ở các địa phương… Đó là một lực lượng sáng tác không dưới vài ba ngàn người, thường xuyên có mặt trong các hoạt động nhiếp ảnh từ địa phương, khu vực, quốc gia, quốc tế. Đây thực sự là chủ thể sáng tạo, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, phong phú hoạt động của Văn học Nghệ thuật địa phương và cả nước.
"69 năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài. Vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao. Tuy vẫn còn những vấn đề bất cập, nhưng chặng đường đi qua của nhiếp ảnh Việt Nam thật đáng tự hào", bà Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.
Tại Lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2021 - Giải thưởng quan trọng nhất trong năm của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh có tác phẩm ảnh, công trình lý luận phê bình và sách ảnh giàu tính sáng tạo, có chất lượng nghệ thuật và nội dung cao.
Hội đồng giám khảo đã chọn ra được 28 tác phẩm xuất sắc nhất năm 2021, trong đó Cúp VAPA trao cho tác phẩm "Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19" thuộc về tác giả Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng); 3 giải A được trao cho các tác phẩm: Bộ ảnh "Nghề làm bún bắp truyền thống" của tác giảLê Châu Đạo (Phú Yên), sách ảnh "Ảnh kể chuyện làng" của tác giả Trần Quốc Tuấn (Vĩnh Phúc), tác phẩm "Công dân mới" của tác giả Trần Văn Túy (Bình Thuận).
Ban tổ chức cũng trao 9 giải B, trong đó có tác phẩm sách ảnh "103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của tác giả Trần Văn Tuấn (Chi hội Thông tấn xã Việt Nam) và 15 giải C cho các tác phẩm xuất sắc.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng Kỷ niệm chương của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2021 cho 29 nghệ sỹ nhiếp ảnh; 6 nghệ sỹ được phong tước hiệu "Nghệ sỹ nhiếp ảnh xuất sắc" (E.VAPA); 3 nghệ sỹ được phong tước hiệu "Nghệ sỹ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc" (E.VAPA/G)"; 2 nghệ sỹ được phong tước hiệu "Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh" (PS.VAPA). Trong đợt này có 39 nghệ sỹ nhiếp ảnh trên khắp mọi miền đất nước đã được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.