Buổi họp báo sáng 21/1/2015 tại Nhà hát Tuổi trẻ, giới thiệu vở diễn “Ai là thủ phạm?” khiến sự quan tâm với vở diễn càng “nóng” hơn. “Nóng” không chỉ bởi đây là vở diễn thứ 13 của tác giả tài danh Lưu Quang Vũ lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, không chỉ bởi đây là vở diễn trong chương trình “Chắp cánh niềm tin” năm thứ hai (2015) do Nhà hát Tuổi trẻ và Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) phối hợp thực hiện với kinh phí lên tới 4 tỷ đồng; mà “nóng” còn bởi những vấn đề thời sự vẫn “hôi hổi” trong vở diễn, dù ra mắt cách đây hơn 30 năm…
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận chia sẻ, chương trình xã hội hóa nghệ thuật “Chắp cánh niềm tin” năm thứ nhất (2014), cũng là chương trình đầu tiên SHB và Nhà hát Tuổi trẻ “bắt tay” nhau, đã thành công hơn cả mong đợi. 100 suất diễn dành cho các sinh viên, giảng viên các trường ĐH- CĐ tại Hà Nội; cũng với kịch mục của Lưu Quang Vũ; đã thực sự giúp “chắp cánh niềm tin” cho giới trẻ, cũng như cho xã hội. Năm nay, hành trình lại bắt đầu, nhưng không chỉ bó hẹp ở Thủ đô mà đã được mở rộng ra 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trải dài từ miền Bắc tới miền Trung; bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, QuảngNinh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nghệ An, Huế và Đà Nẵng.
Tổng số vé miễn phí dành tặng sẽ là 70.000 vé, cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động… nói chung là mở rộng cho toàn xã hội. Cơ hội xem kịch vì thế cũng lớn hơn. Cơ hội để nâng cao hiểu biết nghệ thuật cũng lớn hơn và cơ hội để có những niềm tin được chắp cánh cũng lớn hơn. Đặc biệt, năm nay, SHB cũng rất “chịu chơi”, nâng tổng kinh phí tài trợ gấp đối năm ngoái, lên 4 tỷ đồng, với việc tài trợ vé và tài trợ 1.000 suất học bổng hướng nghiệp dành cho các học sinh, sinh viên trong cả nước.
Họp báo giới thiệu dự án. |
Lần “chắp cánh” này, vở diễn “Ai là thủ phạm?” của Lưu Quang Vũ được chọn, vì nhiều lý do. Vì sự tri ân của Nhà hát Tuổi trẻ với nhà viết kịch đã dàn dựng vở diễn đầu tay của mình trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và đây là vở diễn thứ 13 của ông trên sân khấu 11 Ngô Thì Nhậm. Vì ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn lao ẩn chứa trong vở diễn với tên vở là một câu hỏi đau đáu này. Vì vở diễn “Ai là thủ phạm” không phải nhiều người đã có cơ hội xem. Ra đời năm 1983,từ đó đến nay cũng mới chỉ có vài đoàn dựng “Ai là thủ phạm?”, mà chủ yếu là các đoàn địa phương hoặc các đoàn của ngành; buổi diễn cũng ít. Nên có thể coi như lần này là lần đầu tiên vở diễn được “đại chúng hóa”.
Giám đốc Trương Nhuận trao đổi với báo chí. |
Một câu chuyện về khu tập thể thời bao cấp, những năm 80, khi bảng tin đen với những dòng phấn trắng vẫn là những thông báo hàng ngày ai cũng chăm chăm đọc; khi mà cái ngột ngạt trong cuộc sống chung đụng đủ thứ, từ cái nhà vệ sinh chung, khoảng sân chung, những câu chuyện ngày ngày chung… đã khiến người ta đôi khi thiếu cả sự “thoáng” với nhau. Ở đó, có những đứa trẻ được cha mẹ giáo dục không hẳn đã đúng cách, khiến nhân cách của chúng có những lệch lạc, có những điều thiếu chân thật, đầy nghi kỵ và thiếu niềm tin vào cuộc sống… Và điều đáng nói, những đứa trẻ đó hôm nay đã trở thành những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà, thậm chí giữ những trọng trách trong xã hội. Dù đã bao nhiêu năm, nhưng sự giáo dục tuổi thơ đã ngấm vào và tạo nên nhân cách của chúng, dẫn tới những hệ quả của ngày hôm nay … Giống như một sự “dội lại” của quá khứ tới tương lai hôm nay. Có lẽ bởi vậy, vở diễn được đánh giá vẫn nguyên tính thời sự, khiến người xem phải bàng hoàng là sao những chuyện “cũ” thế mà bao năm nay chúng ta không giải quyết nổi, để tới hôm nay nó vẫn là chuyện “mới”, là sự xót xa cho xã hội khi vẫn đầy rẫy những tham nhũng, lừa dối, những chuyện “con ông cháu cha”…
Với “Ai là thủ phạm”, ba thế hệ của Nhà hát Tuổi trẻ đã cùng góp mặt, đù cả NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Khuê, các diễn viên Vân Dung, Quỳnh Dương, Thanh Dương…. tới những diễn viên trẻ măng vừa ra trường. Điều này cho thấy sự đầu tư, cũng như sự nỗ lực của cả ê kíp để thực hiện một vở diễn “ra vở diễn” đang rất hiếm hoi trên sân khấu hiện nay. Một vở diễn mà đạo diễn NSƯT Chí Trung đã đặt biết bao tâm huyết, đã trăn trở và mạnh dạn xin đại diện gia đình cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ được phép bổ sung phần mở màn và kết thúc để tạo sự tươi mới và tính thời sự hơn cho vở diễn: Phần mở đầu và kết thúc đó sẽ là những bản rap do nhạc sĩ Tuấn Nghĩa viết. Và phần nhạc của vở diễn, cũng rất đặc biệt, là những bài thơ của Xuân Quỳnh được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ.
“Khi dàn dựng, tôi nhận ra chúng ta giờ đây vẫn đang loay hoay với những vụtham nhũng, chiếm dụng nhà công vụ, những vụ “con ông cháu cha” đang chễm chệ ngồi trên những chiếc ghế mà chúng không xứng đáng… thì vở diễn dù cách đây 30 năm vẫn còn nguyên giá trị. Vở diễn ấy, giống như liều vắc xin giúp nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta trong cuộc sống hôm nay, giúp cho tâm hồn chúng ta luôn khỏe mạnh”, đạo diễn Chí Trung chia sẻ.
Kết thúc vở diễn, bằng 4 câu thơ, cũng là sự trăn trở của cả lãnh đạo Nhà hát, ê kíp thực hiện, cũng như sự tâm huyết mà nhà tài trợ SHB muốn gửi gắm tới giới trẻ nói riêng và cả xã hội hôm nay nói chung, về việc chúng ta phải làm thế nào để có thể chắp cánh niềm tin cho mình, cho mọi người:
Vở diễn kia đã sang phần kết
Cuộc sống này vẫn mãi cứ trôi
Ngẫm chuyện xưa lòng thấy bồi hồi
Nát thời nay… “Ai là thủ phạm?”
P.V