17 tháng giêng hội chọi trâu Vĩnh Phúc

Hội chọi trâu xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc về dự. Đây là một lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa, độc đáo, mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ II - trước Công nguyên, cách nay 2200 năm. Tương truyền, đầu thời Bắc thuộc, Thừa tướng Lữ Gia quê gốc Nghệ An, là tướng tài của nhà Hán đã về lập căn cứ ở vùng đất Lập Thạch để cự lại triều đình. Ông đã nhiều lần đánh bại các đợt tiễu phạt của triều đình.

Và mỗi lần thắng trận, để động viên binh sỹ, ông đều cho mổ trâu để khao quân. Đặc biệt, trước khi giết trâu, ông đặt ra trò đấu ngưu để mua vui cho dân làng và binh sỹ. Từ đó, vùng này có hội đấu ngưu.

Sau hơn 50 năm bị gián đoạn (từ năm 1947) đến năm 2002, Hội chọi trâu Hải Lựu chính thức được khôi phục lại, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những nét mộc mạc, dân dã và mang nhiều ý nghĩa tâm linh là điểm độc đáo, hấp dẫn của lễ hội. Gần 10 năm nay, việc nuôi và chăm sóc trâu chọi khá sôi động, Hải Lựu đang tìm lại tiếng tăm của lễ hội độc đáo mà làng quê mình thừa hưởng.

Trâu chọi thường được tìm mua từ các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang..., phải có trọng lượng từ 5 - 6 tạ, vòng ngực từ 1,8 - 2 m, cao trên 1,3 m và phải có độ tuổi từ 9 đến 13 tuổi, không quá non hay quá già. Cách nuôi trâu chọi cũng rất cầu kỳ, có chế độ ăn và chăm sóc đặc biệt.

Tùy theo dáng vóc của mỗi trâu mà các ông chủ trâu có cách rèn luyện, dạy cho trâu các miếng đánh riêng, phù hợp, phát huy được sức mạnh của từng con. Trâu chọi thường được nuôi trong khoảng 6 tháng, từ tháng 4, tháng 5 là các chủ trâu đã bắt đầu tìm mua cho mình con ưng ý và đến tháng 6, tháng 7, công việc nuôi và huấn luyện trâu chọi bắt đầu.

Ông Nguyễn Công Lý, 54 tuổi, một người có nhiều năm kinh nghiêm nuôi trâu chọi, từng dành được nhiều giải cao trong các kỳ lễ hội chia sẻ: “Muốn có một con trâu chọi tốt, quan trọng nhất là khâu chọn mua trâu, sau đó đến các chế độ chăm sóc, tập luyện. Muốn trâu đánh hăng, đánh khỏe thì hàng ngày phải dẫn trâu ra đồng tập luyện.

Tập húc bờ, húc bụi để rèn cho trâu các miếng đánh nguy hiểm, như cáng hầu, móc mắt, móc hầu, hay bổ đao... Cho trâu chạy lội ruộng, lội nước sẽ rèn luyện cho trâu sự dẻo dai, khỏe mạnh. Đánh chiêng, đánh trống, reo hò, treo cờ, phướn, tập cho trâu quen với không khí của lễ hội... Nhưng ông cũng tiết lộ rằng: “Không phải con trâu nào tốt là có thể vô địch, nó còn có sự may mắn, yếu tố tâm linh”.

Từ khi lễ hội chọi trâu Hải Lựu được khôi phục, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về lễ hội để người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Ông Hà Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu nhận định: “Lễ hội chọi trâu tổ chức ngay bên bờ sông Lô của Hải Lựu, là lễ hội độc đáo có một không hai ở Việt Nam”.

Thanh Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN