Đặc biệt, trong số các di sản ưu tiên bảo vệ có 11 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, nằm trong hai loại hình: Ngữ văn dân gian và nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là công bố của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại cuộc thông tin kết quả thực hiện tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội tổ chức chiều 21/11.
Ông Nguyễn Ngọc Đoán, người trông coi đình làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) đang lưu giữ những tài liệu về thứ ngôn ngữ lạ của làng. |
Các di sản văn hóa phi vật thể được ưu tiên bảo vệ khẩn cấp gồm: Tiếng lóng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên); hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ); hát trống quân Khánh Hà (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín); hát trống quân thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên); hát ví xã Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai); hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai); hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai); hát ca trù xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai); hát ca trù thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức); hát ca trù thôn Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh). Đây là các di sản không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền, môi trường sống thay đổi không còn không gian và điều kiện để thực hành.
Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ phần lớn nằm trong nhóm lễ hội (44,2%), tiếp đó là nghề thủ công (20,3%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (10,1%), tri thức dân gian (9,1%), di sản truyền khẩu (0,4%). Các di sản văn hóa phi vật thể ở các quận trung tâm nội thành được chú trọng hơn trong việc đề xuất ưu tiên bảo vệ, vì đây là khu vực bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều nguy cơ mai một.
Các di sản văn hóa phi vật thể được ưu tiên bảo vệ ở các quận trung tâm Hà Nội thường chiếm 35%. Đây là các di sản có tính phổ biến, giá trị độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, trao truyền liên tục từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa hiện tại, có tiềm năng phát triển bền vững.
Trong quá trình tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 6 di sản. Trong đó cả 6 di sản: Hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), hội đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây), lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), hát và múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên), nghề thêu phục chế Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), hội đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau quá trình kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng xuất bản cuốn Danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội và cuốn Atlas Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội. Hà Nội cũng là địa phương trong cả nước xuất bản được cuốn Atlas Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Sở sẽ tổ chức buổi công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đó các quận, huyện sẽ tiếp nhận để đưa về xây dựng phương án bảo vệ, phát huy giá trị các di sản”.