Tình trạng khan hàng ở nhiều nơi
Tình trạng khan hiếm thuốc sát khuẩn, khẩu trang y tế diễn ra ở mọi nơi, từ các trung tâm bán buôn cho đến các quầy thuốc lẻ trong các khu đô thị, khu dân cư ở Hà Nội. Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ít khiến mặt hàng này không có để bán, các chủ cửa hàng lợi dụng đẩy giá lên cao gấp 5, 6, thậm chí hàng chục lần so với giá bán thông thường.
Tại Trung tâm thiết bị y tế Phương Hoa, số 118 E1 phố Phương Mai (Hà Nội) mới hôm qua còn bán khẩu trang cao cấp 3 lớp kháng khuẩn dùng 1 lần với giá 150.000 đồng/hộp/50 chiếc, nay giá đã lên gấp đôi. “Hàng còn chẳng có mà nhập, hôm qua sao so với hôm nay được, hộp 3 lớp này giá 200.000 đồng/hộp 20 chiếc, còn loại đặc biệt giá 300.000 đồng/hộp; 1 lọ gel rửa tay sát khuẩn Gencide I giá 600.000 đồng”, nhân viên bán hàng ở đây cho biết. Các nhà thuốc trên phố Ngọc Khánh cũng tấp nập người vào mua khẩu trang y tế và cồn sát khuẩn, đông nhất là nhà thuốc Trung Dũng. Giá 1 hộp khẩu trang y tế 3 lớp các cửa hàng thuốc ở đây bán là 200.000 đồng/hộp/50 chiếc.
Một số nhà thuốc vẫn giữ nguyên giá bán trước Tết nhưng hết hàng trong chớp mắt như cửa hàng thuốc Liêm Mai trên phố Hoàng Hoa Thám bán 60.000 đồng/hộp khẩu trang y tế dùng 1 lần nhưng mỗi người chỉ được mua 2 hộp, 5 cửa hàng thuốc Camly ở khu đô thị Linh Đàm bán 40.000 đồng/hộp cũng hết vèo sau ngày đầu mở cửa.
Tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc ở tòa nhà Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều cửa hàng đã treo biển hết khẩu trang, nước rửa tay phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Đội quản lý thị trường số 1 (Chi Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra hàng loạt các quầy bán thuốc cho thấy, hầu hết các cửa hàng tại đây đều bán hàng không niêm yết giá. Đội quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản xử phạt một quầy thuốc tại đây về hành vi vi phạm khi bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, đối với các trường hợp bán hàng không niêm yết giá hoặc bán phá giá theo quy định đều bị xử phạt nghiêm. Khi công bố dịch đối với hàng thiết yếu mà vẫn có tình trạng găm hàng, bán đội giá cao cũng sẽ xử lý theo quy định.
Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa, tại Nhà thuốc Long Hiền - một trong các nhà thuốc lớn nhất thành phố Thanh Hóa đã không còn khẩu trang y tế cũng như các loại nước rửa tay diệt khuẩn. Anh Khương Vân Trường, quản lý nhà thuốc cho biết: "Từ mùng 3 Tết đến hôm nay, rất đông người dân đến cửa hàng hỏi mua khẩu trang y tế về dùng. Với cam kết không tăng giá các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn, đến sáng nay nhà thuốc chúng tôi đã không còn khẩu trang y tế cũng như các loại nước sát khuẩn để bán. Đây là những mặt hàng chúng tôi nhập về từ trước Tết, còn lại trong kho. Giờ đặt hàng mới về để bán cho khách cũng rất khó vì các đầu mối nhập đều thông báo không còn hàng để bán và phải đợi thêm vài ngày nữa".
Khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng thuốc khác trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, các loại khẩu trang y tế và các dung dịch sát khẩu, nước muối đều trong tình trạng khan hàng.
Hy hữu, tại nhà thuốc Song Tú trước cửa Chung cư Tecco (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) vẫn còn khẩu trang để bán, nhưng theo anh Tú, chủ nhà thuốc, hiện cửa hàng không còn nhiều khẩu trang nên mỗi khách hàng chỉ được mua 2 túi (20 cái khẩu trang) với giá 25.000đồng/túi cho đến khi hết hàng. "Chúng tôi bán hạn chế số lượng như thế để nhiều khách hàng được mua và được dùng khẩu trang trước tình hình dịch bệnh diễn biến khôn lường như thế này" - anh Tú cho biết.
Nhưng, dường như tình trạng khan khẩu trang y tế chỉ diễn ra ở các hiệu thuốc và các cửa hàng vật tư y tế. Ngay sát các hiệu thuốc lớn trên đường Trần Phú (thành phố Thanh Hóa) vẫn có những người bán khẩu trang y tế với giá 200.000 đồng/hộp/50 chiếc.
Đảm bảo cung cấp đủ trang thiết bị y tế
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành Tài chính trích kinh phí để ngành Y tế khẩn cấp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh tốt nhất cho người dân. Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Phạm Ngọc Thơm cho biết: Ngành Y tế đang nỗ lực liên hệ với các đơn vị cung ứng, các cơ sở sản xuất để nhập các vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang y tế, nước rửa tay có chứa cồn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong ngày 31/1, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng chống dịch yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng chống dịch chủ động ổn định kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các đơn vị chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất; nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Khi có khó khăn trong quá trình nhập khẩu các mặt hàng này, đề nghị liên hệ với Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết.
Công văn cũng yêu cầu các đơn vị cần đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá hoặc xuất bán khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường; các đơn vị nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng, đạo đức kinh doanh, không được nâng giá, trục lợi trong các hoạt động cung ứng phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường kiểm tra giám sát, xử lý những đơn vị lợi dụng tình hình dịch để nâng giá, "chặt chém" người dân.