Xe quá tải phá nát nhiều tuyến đê tại Hà Nội

Mặc dù các ban ngành, địa phương đã vào cuộc nhưng do thiếu triệt để nên nhiều xe quá tải vẫn ngang nhiên hoành hành trên các tuyến đê của Hà Nội.

Nhiều vi phạm…

Toàn thành phố hiện có 220 bãi tập kết, chuyên chở vật liệu xây dựng ven sông, trong đó phần lớn là không có giấy phép. Đi kèm với hoạt động kinh doanh của các bến bãi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe quá tải trọng chạy trên mặt đê khiến đê bị hư hỏng, xuống cấp.

Có thể liệt kê một số vi phạm điển hình như đoạn từ dốc Vân La (xã Hồng Vân, Huyện Thường Tín) đến điếm 102 thuộc huyện Phú Xuyên dài gần 8km, hay đoạn đê hữu sông Đáy (còn gọi là tỉnh lộ 421) chạy qua địa phận xã Yên Sơn và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) cũng trong tình trạng bị xe quá tải trọng làm cho xuống cấp, hư hỏng.

Tình trạng trên đã được người dân địa các địa phương phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc của Hội đồng Nhân dân huyện, xã nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nặng nhất là tuyến đê sông Hồng chạy qua địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Chỉ dọc tuyến đê Hữu Hồng có khoảng vài chục điểm tập kết cát. Việc mua, bán, vận chuyển cát diễn ra cả ngày lẫn đêm là nguyên nhân khiến xe quá tải đổ bộ về đây phá nát tuyến đê này.

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Đức Trung thừa nhận thực tế thành phố chỉ cho phép xe có trọng tải đến 10 tấn được tham gia lưu thông trên đê nhưng vẫn có nhiều xe trọng tải 20 - 30 tấn hoạt động gây sụt lún, hư hỏng mặt đê.

Tình trạng xe quá tải trọng vi phạm phá hỏng đê thời gian qua dường như ai cũng biết nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê.

Lực lượng liên ngành chốt chặn xử nghiêm xe quá tải. Ảnh Tiến Hiếu


Theo số liệu của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra đã xử lý được 4292 trường hợp xe quá tải trọng, trong đó có 124 trường hợp chạy trên đê, tước giấy phép lái xe 545 trường hợp (25 xe chạy trên đê), tạm giữ 43 phương tiện. Tổng số tiền phạt trên 11,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với thực tế vi phạm.

Phó phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang An cho biết, huyện Phú Xuyên giáp ranh với địa bàn tỉnh Hà Nam, có tuyến đê dài 16 km, các phương tiện chở vật liệu xây dựng thường xuyên quần thảo.

Tuy nhiên việc xử lý phương tiện vi phạm còn gặp khó khăn do cánh lái xe chỉ cần nhác thấy bóng lực lượng chức năng là gọi điện thông báo cho nhau lánh sang đi theo đường Hòa Mạc-Đồng Văn.

Theo phản ánh của các đội Thanh tra Giao thông huyện Đông Anh và Bắc Từ Liêm thì việc xử lý vi phạm trên các tuyến đê không cắm biển báo hạn chế tải trọng là khó khăn.

Chẳng hạn như tuyến đê thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm hay đường Tây Tựu, đoạn trước khi lên đê cũng không cắm biển hạn chế tải trọng để ngăn chặn xe quá tải. Đoạn đê phía huyện Đan Phượng cũng chỉ có 1 biển báo hạn chế xe trọng tải 13 tấn trở lên.

“Việc xử lý xe quá tải trọng đi trên đê ở những đoạn không có biển cấm là rất khó khăn, do đó cần phải có biển báo cấm xe quá tải trọng thì lực lượng chức năng mới có cơ sở để xử lý", một Thanh tra Giao thông quận Bắc Từ Liêm đề xuất.

Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông huyện Đông Anh Lê Thành Điểm cho biết, địa bàn huyện Đông Anh hiện chỉ còn đoạn đê giáp ranh với huyện Mê Linh là còn xảy ra tình trạng xe quá tải chạy vào để tránh trạm cân, các phương tiện này hoạt động nhiều nhất vào ban đêm. 

Năm 2016, sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cải tạo mặt đê, thực hiện việc cắm cọc hạn chế tải trọng nên đã ngăn chặn được xe quá tải chạy vào đây. Ngay cả các điểm dốc xuống bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng cũng được đổ cột bê tông chỉ cho loại xe 5 tấn trở xuống được hoạt động trên đê.

Làm cọc, “gông”... để ngăn chặn

Để ngăn chặn xe quá tải phá nát đê, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Đăng Hải cho rằng, cách tốt nhất là làm cọc, “gông” để hạn chế các phương tiện tải trọng lớn đi vào đê. Đồng thời yêu cầu các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chỉ được sử dụng phương tiện đúng tải trọng, nếu vi phạm sẽ đình chỉ hoạt động. “Phải dùng biện pháp này mới ngăn chặn được xe quá tải phá nát đê, chứ hiện nay lực lượng chức năng mỏng lại phải làm nhiều việc nên khó có thể kiểm tra, xử lý hết được”, ông Hải nói.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cùng các sở, ngành Thành phố Hà Nội đã họp, bàn các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm về đê điều. Trong đó, nhấn mạnh sự quyết liệt các quận huyện, ngành chức năng đối với các hình thức vi phạm, đặc biệt là tình trạng xây dựng trái phép, tập kết vật liệu xây dựng, xe quá tải chạy trên đê.

Cùng với các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp xe quá tải trọng, thành phố cũng xác định đầu tư cho 2 tuyến đê tả, hữu sông Hồng trở thành tuyến giao thông quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông.

Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão, với những vi phạm đê điều đang xảy ra nếu không được ngăn chặn kịp thời thì đây sẽ là nguy cơ đe dọa sự an toàn của các tuyến đê trọng yếu, đóng vai trò ngăn lũ sông Hồng, bảo vệ Thủ đô khi có tình huống thiên tai, bão, lũ xảy ra.

Tuyết Mai (TTXVN)
Ngăn chặn xe quá tải bùng phát trở lại
Ngăn chặn xe quá tải bùng phát trở lại

Trước tình trạng xe quá tải “lộng hành” trên nhiều quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu lực lượng Thanh tra các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mở cao điểm xử lý xe quá tải để “xốc” lại lực lượng, ngăn chặn bùng phát trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN