Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN
Cảnh báo, từ ngày 13/4 nắng nóng kết thúc ở các khu vực trên. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
"Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa", ông Vũ Anh Tuấn lưu ý.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 11/4, ở vùng núi phía Tây khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C như Tương Dương (Nghệ An) 38,4 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 36,7 độ C, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 36,5 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 36,8 độ C...; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát như sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.
Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức, nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, người dân nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút.
Người dân khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính, mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm các loại kem chống nắng, không sử dụng các loại đồ uống có cồn...