Đại diện Viettel cho biết, ngay sau khi phát hiện sự cố, Viettel đã bổ sung dung lượng từ tuyến cáp quang Liên Á (IA). Do đó, việc kết nối internet trong nước và quốc tế của các khách hàng Viettel được đảm bảo, không bị ảnh hưởng.
Trước đó, nhận thấy tuyến AAG thường xuyên gặp sự cố, Viettel đã đầu tư thêm tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) để đảm bảo kết nối của Khách hàng không bị phụ thuộc vào tuyến cáp AAG. Bên cạnh đó, Viettel đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 tuyến cáp quang biển mới là tuyến Châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway) nối từ Việt Nam đi các nước châu Á và Mỹ cùng tuyến AAE1 - Asia Africa Euro 1 nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, các cán bộ kỹ thuật của VNPT VinaPhone đã thực hiện ngay phương án khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố đến quá trình sử dụng dịch vụ của khách hàng; chủ động định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng cáp khác, phối hợp với các đối tác nước ngoài tăng cường dung lượng kết nối quốc tế.
VNPT VinaPhone, cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với đối tác khắc phục sự cố để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, được đi vào hoạt động từ năm 2009. Tuyến này kết nối khu vực Đông Nam Á với bờ tây nước Mỹ, đi qua Thái Bình Dương và các đảo Guam và Hawaii. Có 4 công ty Việt Nam đầu tư dự án này gồm FPT Telecom, Viettel, VNPT, SPT, trong tổng số 19 công ty cùng xây dựng.
Tính riêng trong năm 2015, AAG đã bị đứt ít nhất ba lần. Tháng 3 và 6/2016, tuyến cáp quang này cũng gặp sự cố khiến cho việc truy cập Internet đi quốc tế gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng nhiều đến người dùng bởi đây là tuyến Internet quốc tế chủ yếu của Việt Nam hiện nay.