Vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh, chính quyền sở tại có 'bỏ ngỏ'?

Gần 2 km phố Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ, Hà Nội) kéo dài từ dốc Tam Đa đến chợ Bưởi là “phố cây cảnh” nổi tiếng của thành phố. Tuy nhiên, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh cây cảnh trên đoạn tuyến phố này của các hộ có nhà mặt đường đang diễn ra ngang nhiên, phức tạp, khiến giao thông qua lại khu vực thường xuyên ùn tắc, gây bức xúc dư luận. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, đặt ra câu hỏi liệu các cấp chính quyền cơ sở có "bỏ ngỏ"?

Đáng quan ngại là thực tế trên cũng đang diễn ra tại nhiều tuyến phố thuộc các quận nội đô, nhất là khu vực phố cổ, không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất mỹ quan đô thị, mà còn gây cản trở, ùn tắc, mất an toàn giao thông cho người đi bộ, phương tiện tham gia giao thông và lơ là các quy định phòng chống dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng trở lại.   

Video tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh diễn ra tràn lan tại tuyến phố nội đô: 

Chú thích ảnh
Các hộ mặt đường chiếm dụng hết vỉa hè để bày bán cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ).
Chú thích ảnh
Hầu hết các hộ dân trên đoạn tuyến phố này đều biến vỉa hè chung dành cho người đi bộ thành cửa hàng kinh doanh riêng. 
Chú thích ảnh
Cửa hàng đệm bông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lấn chiếm hết vỉa hè đề bày hàng.
Chú thích ảnh
Hàng chục cửa hàng hoa cũng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh trên đường Nguyễn Trãi. 
Chú thích ảnh
Người đi bộ không còn lối đi cả trên vỉa hè, dưới lòng đường trên phố Hoàng Hoa Thám.

Cuộc sống mưu sinh khiến nhiều hộ dân có nhà mặt đường vô tư, thậm chí ngang nhiên chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường chung trước cửa nhà, thành sở hữu riêng để kinh doanh, bày bán hàng hóa bất kể giờ nào. Không ít người dân sinh sống tại những tuyến phố này bày tỏ, vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ, nhưng bị lấn chiếm hết, khiến cả người lớn và trẻ con phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Chú thích ảnh
Vỉa hè phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) bị các hộ kinh doanh mũ bảo hiểm chiếm dụng bày bán hàng.
Chú thích ảnh
Vỉa hè phố "cà phê" Phạm Huy Thông (quận Ba Đình) được các hộ kinh doanh tận dụng hết để bàn ghế bán hàng. 
Chú thích ảnh
Các hộ kinh doanh hàng sắt trên phố Đê La Thanh (quận Đống Đa) từ lâu đã biến vỉa hè trước mặt nhà thành địa điểm bán hàng, gia công riêng.   

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra phức tạp nhất. Đặc trưng của phố cổ là mật độ dân số cao, trong khi lòng đường chật hẹp, ô tô, xe máy, người đi bộ luôn ken đặc, khiến nhiều tuyến phố khó phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường.

Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận có 166 tuyến phố, nhưng phần lớn các phố có chiều ngang lòng đường, hè phố hẹp. Việc chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là sau những đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, nhưng chưa bền vững và vẫn còn hiện tượng tái vi phạm, nhất là khi không có mặt các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, ngoài giờ hành chính. Hình thức vi phạm chủ yếu là các hộ dân chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, ngõ để bày vật dụng, hàng hóa, kinh doanh buôn bán; phương tiện giao thông dừng, đỗ dưới lòng đường sai quy định...

Chú thích ảnh
Khi phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm)...
Chú thích ảnh
... vỉa hè, lòng đường là một, đều bị chiếm dụng để kinh doanh.
Chú thích ảnh
Người đi bộ buộc phải chọn đi dưới lòng đường, vì vỉa hè hết chỗ.
Chú thích ảnh
Hộ kinh doanh hàng tạp hóa lấn chiếm vỉa hè trên phố Hàng Đậu - Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Hàng gốm sứ, thủy tinh được các hộ kinh doanh bày kín vỉa hè trên phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm).

 

Chú thích ảnh
Hàng ăn khu phố cổ để tràn xe kín cả vỉa hè, lòng đường. 

Qua tìm hiểu thực tế, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường Hà Nội hiện nay xuất phát từ sự thiếu quyết liệt từ các lực lượng chức năng, quản lý trật tự đô thị từ cấp phường đến quận. Sự thiếu quyết liệt này là nguyên nhân chính dẫn đến việc tái vi phạm diễn ra tràn lan. Mặt khác, việc xử phạt hành chính cho tồn tại khiến không ít hộ kinh doanh “nhờn luật”.

Trong các đề xuất, kiến nghị của Ban Đô thị và các Đoàn kiểm tra liên ngành đều yêu cầu các lực lượng chức năng ở cơ sở phải thực hiện nghiêm. Nếu ở đâu để xảy ra vi phạm nhiều, thì người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Từ năm 2017, TP Hà Nội đã có chủ trương trang bị camera giám sát cho công an phường để “phạt nguội” vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thiết nghĩ, trước thực tế trên, giải pháp này hiện nay có thể phát huy hiệu quả răn đe vi phạm, vừa không cần lực lượng chức năng phải tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, truy quét các trường hợp cố tình vi phạm, vừa nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cần quy trách nhiệm cụ thể lãnh đạo cấp phường, có như vậy mới khắc phục tình trạng vi phạm tràn lan hiện nay.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ, vỉa hè, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép làm nơi buôn bán, kinh doanh. Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ, thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.
Đăng Sơn/Báo Tin tức
Hà Nội: Tạm dừng hoạt động quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè
Hà Nội: Tạm dừng hoạt động quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè

Từ 17h ngày 3/5, Hà Nội dừng hoạt động quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè để chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN