Theo đó, các địa phương hướng dẫn đơn vị, người dân chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, kho tàng, thiết bị máy móc tại các công trường đang thi công, đặc biệt là các điểm xung yếu; chằng chống cây, nhất là cây quý hiếm, mới trồng. Các lực lượng chức năng phải thực hiện di dân ở các vùng xung yếu, người dân ở trên các tàu thuyền, lồng bè, các tuyến đê vào các công trình kiên cố như trường học, UBND xã, phường, thị trấn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, thuốc và các vật dụng khác phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương tiếp tục hạ mức nước đệm trong hệ thống thủy lợi bằng mọi hình thức. Các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đến khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền; người dân hạn chế di chuyển người và phương tiện từ tối 16/8 đến sáng 17/8.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 trên các phương tiện thông tin, tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; chuẩn bị tốt các điều kiện, phương tiện khắc phục thiệt hại sau khi bão tan.
Theo báo cáo của 7 Đồn Biên phòng - Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho gần 3.100 phương tiện với 11.458 lao động, 450 lồng bè với gần 1.240 lao động, 299 chòi canh với 290 lao động, đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến thuộc địa bàn Biên phòng biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Huyện đảo Cát Hải là nơi tập trung nhiều phương tiện tàu, thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản, đến 17 giờ ngày 16/8, huyện đã huy động 1.656 phương tiện tàu, thuyền với 5.156 lao động vào nơi tránh trú an toàn; sắp xếp neo đậu tại chỗ 425 bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ, di dời 29 bè nuôi thủy sản kết hợp dịch vụ du lịch tại vịnh Cát Bà vào nơi tránh bão; yêu cầu sơ tán toàn bộ ngư dân trên các chòi canh về nơi trú bão do huyện bố trí.