Hồ đập xuống cấp, khó xác định vùng hạ du ảnh hưởng khi xả lũ
Sau nhiều năm phát triển ồ ạt thủy điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đến nay Việt Nam đã có một mạng lưới nhà máy thủy điện rộng lớn, chiếm khoảng 40% tỷ trọng điện toàn quốc.
Cuối năm 2017, do ảnh hưởng của bão số 12 gây mưa to, kết hợp với việc xả lũ của nhiều thủy điện khiến mực nước trên các sông lên rất nhanh, nhiều nơi tại huyện Phong Điền, Quảng Điền, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngập nặng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của loại hình năng lượng tái tạo này, thủy điện – đặc biệt tại khu vực miền Trung với đặc thù về địa hình, sông ngắn, dốc, lưu vực nhỏ, hễ mưa lớn là có lũ, vẫn là một mối đe dọa đối với đời sống người dân sống ở khu vực hạ du, đặc biệt mỗi khi có xả lũ. Hàng nghìn hồ chứa tại các tỉnh miền Trung được ví như những quả bom nước treo trên đầu người dân ở hạ lưu.
Tại hội nghị Phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy lợi cho biết: Đối với các hồ chứa hư hỏng nặng và thiếu khả năng xả lũ, trong khi chưa được sửa chữa, nâng cấp, Tổng cục Thủy lợi đã phải khuyến cáo các địa phương hạn chế hoặc không tích nước để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh vấn đề chất lượng hồ chứa, việc thiếu quy trình xả lũ an toàn cho hạ du, cùng sự yếu kém của khâu dự báo lưu lượng nước từ thượng nguồn, sai sót trong dung tích phòng lũ trong thiết kế hồ chứa... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ ngày càng nguy cấp.
Tham gia hội nghị nêu trên, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN không cho biết các số liệu cụ thể về các hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ chứa có nguy cơ, khả năng xảy ra sự cố. Tuy nhiên báo cáo cũng nêu lên thực trạng đáng quan ngại: “Đa số các đập thủy điện (thủy lợi) chưa có bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du với tỉ lệ cần thiết phục vụ cho việc xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập. Khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du đập, đặc biệt là đối với nhiều đập của nhiều chủ đầu tư xây dựng trên cùng một lưu vực sông. Chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ”.
Hiện nay, mới chỉ có 1 số lưu vực sông lớn có quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện như Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Mã... trong đó quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được ban hành năm 2015 nhưng qua hai mùa mưa lũ năm 2016, 2017 đã bộc lộ một số bất cập cần sớm có biện pháp khắc phục.
Xả lũ không đúng quy trình, không dựa trên những số liệu chính xác về lượng mưa sẽ gây hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa: TTXVN |
Vào mùa mưa lũ, cứ mỗi lần thủy điện xả lũ là khu vực hạ du lại canh cánh nỗi lo. Theo ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Lâm Đồng), tình trạng canh tác, sinh sống ven sông, bãi bồi và vùng có nguy cơ bị ngập khi có lũ xảy ra của người dân dọc theo sông Đa Nhim và sông La Ngà rất phổ biến. Điều này gây mất an toàn cho công tác vận hành hồ chứa, cũng như gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức di dời và đảm bảo an toàn cho người dân khi có lũ trên sông.
"Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chất lượng rừng trên thượng nguồn các hồ chứa ngày càng giảm sút, nên tình hình mưa lũ trên lưu vực các hồ chứa ngày càng phức tạp, không theo quy luật và khó dự báo gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành xả lũ", ông Lộc đánh giá.
Dự báo mưa lũ đã lỗi thời
Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu Cần Thơ, lo ngại: Việc các hồ thủy điện phải đồng loạt xả lũ sau những trận mưa lớn lịch sử như vừa qua cho thấy lượng mưa đã không còn nằm trong tầm dự báo khi xây dựng các dự án thủy điện.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, những dự báo về dung tích hồ chứa, hành lang thoát lũ của các thủy điện đã không còn đúng như dự báo. Lý do là bởi nhiều tầng nấc thủy điện trên một dòng sông đã làm thay đổi dòng chảy của con sông đó, trong khi biến đổi khí hậu khiến lượng mưa đột biến thất thường không thể dự báo trước.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết: Năm 2017, tổng lượng dòng chảy về của 4 hồ chứa thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia cắt lũ trên lưu vực sông Hồng đều lớn hơn tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm.
Năm 2017, hồ Sơn La vận hành xả lũ 5 đợt với tổng thời gian là 24 ngày, thời điểm vận hành lớn nhất là 2 cửa xả đáy; hồ Hòa Bình vận hành 4 đợt xả lũ với tổng thời gian là 40 ngày, thời điểm vận hành lớn nhất là 8 cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả về hạ du là 16.520m3/s trong đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10/2017. Đây cũng là đợt xả lũ lớn nhất trong lịch sử của hồ Hoà Bình.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam:
Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào là một bài học xương máu cho Việt Nam. Về nguyên tắc, các hồ đập đang trong quá trình xây dựng đều đã có các kịch bản để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và hoàn thiện, tích nước. Tuy nhiên, với tình hình mưa lũ cực đoan, bất thường như hiện nay, mọi kịch bản và tình huống dự phòng đó đều có nguy cơ bị vượt qua.
Sáng 13/12/2016, tất cả 4 hồ thủy điện tại tỉnh Phú Yên tiến hành xả lũ với tổng lưu lượng nước lên tới hơn 8.000 m3/giây. Vùng hạ du bị ngập nặng, nhiều khu dân cư bị chia cắt cục bộ. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Ông Đỗ Minh Lộc kiến nghị, trước mắt cần sớm ban hành quy định về hành lang thoát lũ tự nhiên của sông suối để đảm bảo an toàn cho người dân sống dọc hạ lưu. Căn cứ vào quy định, địa phương sẽ dễ dàng hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, cảnh báo, di dời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi lũ về. Quy định về hành lang thoát lũ cũng là cơ sở pháp lý để địa phương xử phạt các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang, gây mất an toàn cho chính người dân cũng như xác định trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp trong việc vận hành xả lũ hồ chứa.
Đối với doanh nghiệp, khi có các quy định cụ thể về hành lang thoát lũ tự nhiên của các sông phía hạ lưu đập, doanh nghiệp sẽ chủ động điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối. Đồng thời, đây cũng là căn cứ tính toán mức xả nước phù hợp, không làm ảnh hưởng đến hạ du, đồng thời tăng tính hiệu quả trong việc cắt, giảm lũ hồ chứa.
Còn để việc dự báo mưa lũ được chính xác hơn, theo các chuyên gia, cần xây dựng thêm các trạm đo thủy văn (mưa) trên thượng nguồn. Thực tế hiện nay, các trạm đo thủy văn ở thượng nguồn rất thưa thớt. Trên lý thuyết, quy trình điều tiết xả lũ theo dự báo mưa thì rất dễ nhưng thực tế không ai dám xả lũ theo dự báo mưa như hiện nay. Đó là do có sự khác biệt rất lớn giữa các địa điểm khác nhau ngay trong một vùng, có chỗ không mưa, có chỗ mưa ào ào như thác đổ.
"Dự báo lượng mưa một cách chung chung thì không ai biết chính xác chỗ hồ chứa mình quản lý sẽ mưa như thế nào. Anh chủ hồ nghe dự báo một cách chung chung thì không biết đằng nào mà xả lũ. Thủy văn miền Trung rất phức tạp, vì mưa phụ thuộc vào địa hình, vào khí tượng. Các nước tiên tiến họ bố trí trạm đo mưa dày đặc và kết hợp nhiều phương tiện để dự báo, dùng nhiều phương pháp để quan sát, đo đạc. Từ đó mới chủ động dự báo tin cậy, để điều tiết lũ hồ hợp lý. Còn tại Việt Nam, không tài nào dự báo được với các trạm dự báo thưa thớt và các phương tiện hiện có. Khi lũ về thì nhiều nơi tích nước giữ trong hồ vì có tâm lý thấy nước là thấy tiền, thả đi là mất tiền. Khi mực nước hồ lên đến mức báo động, mưa lớn tiếp tục, sợ vỡ đập thì mới đùng đùng xả lũ, gây thiệt hại cho hạ lưu", một chuyên gia khuyến cáo.
Nhà nước cũng cần mạnh tay xóa sổ những dự án thủy điện có hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lũ chồng lũ cho hạ du. Được biết, trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thuỷ điện bậc thang và 463 dự án thuỷ điện nhỏ (tổng công suất 1.404,68 MW), không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng (349,61MW).