Từ 2016 sẽ cấp số định danh cá nhân

Chiều 13/6, Bộ Tư pháp đã thông tin cho báo giới về những nội dung trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xếp hàng chờ cấp lại chứng minh thư tại Hà Nội. Ảnh VH


Theo Đề án, trong giai đoạn 2013 - 2014, nhà nước sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý; hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và từ 2016 sẽ triển khai nhập thông tin cơ bản về công dân và cấp số định danh cá nhân.

Hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu này và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Dựa vào đó, các cơ quan hành chính nhà nước có thể truy cập, khai thác sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.


Trong giai đoạn 2015 - 2020 cũng sẽ phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ cho công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu.


Theo ông Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 7 Bộ Công an, số định danh phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cấp cho người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi và đó chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp tại Hà Nội. Số này đã được tính toán rất cụ thể, kể cả số sinh ra, số mất đi, giới tính thì 500 năm nữa số này cũng không trùng nhau.


Cũng theo đại diện Bộ Công an thì khi có mã số định danh, hộ khẩu và giấy khai sinh có thể bỏ nhưng chứng minh nhân dân là không thể bỏ, người dân vẫn cần có một loại giấy tờ để chứng minh bản thân. Bộ Công an vẫn tiếp tục triển khai cấp chứng minh nhân dân mẫu mới.

Giải đáp câu hỏi tại sao hiện không triển khai ngay việc cấp mã số định danh cho công dân mới sinh ra cũng như những băn khoăn về lộ trình của Đề án, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cho biết số định danh là dãy số tự nhiên, nó giống như chìa khóa để mở vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia rỗng thì có cấp mã số định danh cũng chưa sử dụng được, phải có kho dữ liệu rồi mới dùng mã số này để cập nhật vào, vì vậy, đến năm 2015, khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu này mới bắt đầu cập nhật và cấp mã số định danh, trong phạm vi nhất định người dân cũng có thể được truy cập vào.

Bộ Tư pháp cho rằng, với quy mô gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn.


Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực cho xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính phủ.


Tính toán sơ bộ của Bộ Công an cho thấy việc vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân, ước tính khoảng 198 tỷ đồng.


Chu Thanh Vân

Dự thảo Luật Tiếp công dân cần được “gia công” kỹ hơn

Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về những điều cần được chỉnh sửa trong Dự án Luật Tiếp công dân, đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN