Ngày 8/8, sau 4 ngày xảy ra vụ việc đất lở vùi lấp hàng loạt xe ô tô tại Sóc Sơn (Hà Nội), tuyến đường bê tông xây dựng tự phát chạy dọc từ trên đồi xuống của thôn Phù Ninh (xã Minh Phú) đã được các lực lượng chức năng cơ sở khắc phục tạm thời bằng giải pháp xẻ rãnh tại nhiều vị trí men theo sườn đồi, nhằm tăng khả năng cho việc tiêu thoát nước nếu có mưa lớn tiếp tục; hàng loạt các "homestay" lưng chừng đồi cũng đã đóng cửa và cắm biển cảnh báo nguy hiểm...
Sự cố sạt trượt, xói lở vừa qua có liên quan đến các "homestay" xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại đây không, thưa ông?
Tôi khẳng định, nguyên nhân sạt trượt và xói lở đất đá xảy ra tại xóm Ban Tiện không liên quan đến các homestay này. Tại vị trí xảy ra sự cố cũng có một phần đất ở, địa phương đang rà soát để phân định ranh giới đất ở, đất rừng để có phương án xử lý.
Video Ông Nguyễn Huy Du trả lời phỏng vấn báo Tin tức:
Xã đã có biện pháp cưỡng chế căn nhà ở vị trí cao nhất của ngọn đồi bị sạt lở, vi phạm về trật tự xây dựng, nhưng chủ nhà gửi đơn xin tạm hoãn, do có người bị bệnh nặng. Ngày trong tháng 8/2023, địa phương sẽ cưỡng chế công trình vi phạm này.
Còn nguyên nhân sự cố hiện đã được xác định là do mưa liên tục trong hai ngày trước đó, tạo nên lượng nước lớn dồn nén cục bộ, dẫn đến hệ thống thoát nước của đường phòng cháy chữa cháy bị tắc. Dòng nước chảy lớn, gây hiện tượng xói lở, mang theo đất đá trôi xuống, gặp vật cản là các xe ô tô dừng đỗ dọc xóm, thôn, khiến hàng loạt ô tô mắc kẹt như báo chí đã đưa tin.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, cũng như giao thông thông suốt, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đã và đang triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
Ngay sau khi nắm được thông tin về sự cố, xã đã huỵ động tất cả các lực lượng tại địa phương khẩn trương khoanh vùng, thu dọn bùn đất và giải cứu các ô tô mắc kẹt; đồng thời, đề nghị Ban Quản lý rừng tăng cường kiểm tra thường xuyên hệ thống thoát nước cho phòng cháy tại đây và triển khai các phương án thoát lũ nếu tiếp tục có mưa lớn kéo dài. Phía dưới hạ nguồn, các lực lượng đã căng nhiều tấm bạt để hạn chế sạt lở bước đầu, phân tầng bậc nước, điều tiết hướng đi của dòng chảy theo phương ngang, chia làm nhiều nhánh, tránh việc nước di chuyển theo phương thẳng đứng, với phương châm 4 tại chỗ.
Trước và sau sự cố xảy ra, địa phương đã có thống kê cụ thể các công trình nhà dân và homestay vi phạm trật tự xây dựng trên diện tích rừng phòng hộ, trên đất nông nghiệp chưa, thưa ông?
Riêng việc kiểm đếm này, xã thực hiện định kỳ hàng năm. Khu vực xảy ra sự cố chỉ có khoảng vài trường hợp vi phạm. Số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 30 homestay đang hoạt động. Đến hết tháng 8/2023, xã sẽ có số liệu chính thức về hoạt động của nhà dân và homestay trên địa bàn, từ đó sẽ có thông tin chính xác về việc vi phạm hay không!
Xin trân trọng cảm ơn ông!