Triển khai 'Hộ chiếu' vaccine: Ưu tiên hàng đầu là thận trọng và an toàn

Sáng kiến triển khai "hộ chiếu vaccine" được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh ngành du lịch, hàng không và toàn bộ nền kinh tế thế giới nhưng cũng dấy lên không ít những quan ngại về các rủi ro tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng virus mới.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, với thực tế là việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn chưa được chuẩn hoá ở cấp độ toàn cầu như hiện thì đâu là những rủi ro tiềm ẩn với nền kinh tế nếu triển khai sáng kiến này? 

Sáng kiến này có nhiều lợi ích nhưng để áp dụng vào thực tiễn còn nhiều thách thức. Thứ nhất là các nước phải thống nhất loại vaccine nào được chấp nhận chung. Thứ hai là phải có sự công nhận lẫn nhau về các hệ thống kỹ thuật của từng nước khi chứng nhận cái hộ chiếu vaccine.

Thứ ba là phải xử lý vấn đề hộ chiếu vaccine giả đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt để có thể triển khai hộ chiếu vaccine, các nước phải thống nhất với nhau một quy trình chung; trong đó phải xác định người mang hộ chiếu vaccine có cần phải cách ly không? thời gian cách ly như thế nào? Hoặc nếu không cách ly thì lộ trình đi lại phải giới hạn không hay là lộ trình đấy được tự do, thoải mái như trước khi có dịch COVID-19 xảy ra.

Tất cả những vấn đề này đang được các tổ chức vận động thông qua hộ chiếu vaccine thảo luận rất kỹ những vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Thưa ông, đâu là các điều kiện cần và đủ để sáng kiến hộ chiếu vaccine COVID-19 được triển khai an toàn và hiệu quả trên toàn cầu?

Thứ nhất là ở các nước là phải công khai các thông tin về hiệu lực, hiệu quả của các loại vaccine, thống nhất danh sách các loại vaccine được chấp nhận trên toàn cầu về hiệu lực, hiệu quả. Ngay cả khi mà danh sách này được thống nhất thì mức độ hiệu lực, hiệu quả của các loại vaccine cũng phải xếp theo thứ tự ưu tiên về hiệu lực, hiệu quả.

Do vậy, hộ chiếu vaccine phải phản ánh được loại vaccine mà người có hộ chiếu đã tiêm. Trên cơ sở đó, các nước thống nhất đề ra quy định hạn chế chi tiết tương ứng với hiệu lực, hiệu quả của từng loại vaccine.

Thứ hai, quy trình bảo mật hộ chiếu vaccine, quy trình cấp hộ chiếu vaccine cũng phải được thống nhất theo quy chuẩn chung để hạn chế thấp nhất khả năng làm giả hộ chiếu vaccine.

Thưa ông, ngay từ tháng ba vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế và một số cơ quan liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng "hộ chiếu" vaccine. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về tính khả thi của việc áp dụng sáng kiến này tại Việt Nam?

Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Vì vậy, sáng kiến hộ chiếu vacccine có thể khả thi và được chấp nhận được ở Việt Nam nếu có các điều kiện đi kèm.

Thứ nhất là các cơ chế để giảm thiểu rủi ro như đã bàn ở phần trước. Thứ hai, hộ chiếu vaccine chỉ là một cấu phần của gói giải pháp tổng thể của những biện pháp để đảm bảo về an toàn phòng, chống COVID-19 và tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, quyền tự do đi lại của những người có hộ chiếu vaccine vẫn cần được xử lý một cách nhịp nhàng, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia, các nền kinh tế mà Việt Nam có giao thương.

Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đã có khuyến nghị gì với Chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy việc áp dụng sáng kiến này an toàn, hiệu quả tại Việt Nam?

Đối với Chính phủ Việt Nam cũng như các Chính phủ ASEAN khác, chúng tôi khuyến nghị các Chính phủ cần bắt đầu nghiên cứu ngay từ bây giờ và đó chính là điều Chính phủ Việt Nam đang làm.

Thứ hai là cân nhắc tất cả các khía cạnh lợi, hại của của hộ chiếu vaccine, chúng tôi đề nghị tạo điều kiện đặc biệt các doanh nhân phải đi lại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chúng ta có thể là đưa ra những điều kiện giới hạn cụ thể với đối tượng này.

Về các đối tượng ưu tiên hiện nay, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu cụ thể. Đó là khách du lịch, doanh nhân, nhà ngoại giao và công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Theo tôi, các đối tượng này cần có sự ưu tiên khác nhau về thứ tự thời gian; trong đó khách du lịch thì có thể là chậm hơn một chút nhưng doanh nhân, khách đi làm việc có thể là đưa lên đầu, bên cạnh đối tượng cán bộ ngoại giao của các nước.

Thêm vào đó, nền tảng công nghệ để chấp nhận hộ chiếu vaccine không chỉ nên áp dụng ngắn hạn cho hộ chiếu vaccine COVID-19 mà trong tương lai có thể có rất nhiều các loại dịch bệnh khác và có các loại vaccine khác.

Vì vậy, nếu Việt Nam hài hòa hóa được cái tiêu chuẩn về hộ chiếu vaccine với quốc tế, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên tham gia vào nền tảng hộ chiếu vaccine. Từ đó, việc áp dụng hộ chiếu vaccine không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước nhập cảnh vào Việt Nam mà còn giúp cho công dân Việt Nam tự do đi lại hơn trên toàn cầu.

Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị phối hợp chặt với Chính phủ, trước hết gửi những kiến nghị với Chính phủ về nhu cầu đi lại của doanh nghiệp, đặc biệt là nhân viên trình độ cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có giải pháp công nghệ đi kèm. Với tất cả những yêu cầu này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được với chi phí không cao.

Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn/TTXVN (thực hiện)
Hộ chiếu vaccine không phải ý tưởng mới, đã có từ thời dịch hạch
Hộ chiếu vaccine không phải ý tưởng mới, đã có từ thời dịch hạch

Trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã bàn bạc về ý tưởng hộ chiếu vaccine, hy vọng đây sẽ là tấm vé mở đường cho tự do đi lại trên thế giới, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Hộ chiếu vaccine tưởng như là ý tưởng mới nhưng thực ra, đã xuất hiện từ khi thế giới xảy ra đại dịch dịch hạch năm 1897.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN