Trong hai ngày 27-28/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Lao động –Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã tổ chức hội thảo: “Xây dựng mô hình giảm tổn thương và phòng chống, lây nhiễm HIV, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm thí điểm tại 20 tỉnh, thành”.
Theo Cục Phòng chống Tệ nạn và Xã hội, trong chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2006 – 2008, Việt Nam đã triển khai 4 nhóm mô hình có hiệu quả như: mô hình phòng ngừa; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; phối hợp phòng, chống mại dâm với phòng chống HIV/AIDS; giáo dục, dạy nghề trong các trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội.
Những cô gái hành nghề mại dâm-Ảnh internet |
Qua đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay như “Câu lạc bộ phòng chống mại dâm” ở Nam Định, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” ở Thanh Hóa, “Cho vay vốn tạo việc làm” của Khánh Hòa, “Tiến lên phía trước” ở TP. Hồ Chí Minh, mô hình 100% người mại dâm sử dụng bao cao su ở An Giang…
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc, mại dâm đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự lây nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay ở Việt Nam , tỉ lệ người bán dâm nhiễm HIV đang ở mức 30-40%.
Nhóm phụ nữ mại dâm khu vực đồng bằng Bắc bộ và miền Đông Nam bộ có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất. Tỉ lệ phụ nữ bán dâm nhiễm HIV cao thứ ba sau nhóm tiêm chích ma túy và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam. Người bán dâm không được chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, chưa được tiếp cận các chương trình can thiệp, giảm tác hại và tình dục an toàn thông qua việc sử dụng bao cao su, khiến nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng ngày càng cao, đặc biệt với sự xuất hiện của mại dâm nam đồng giới.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ –TB & XH, ở Việt Nam, mại dâm chưa được xem là một nghề để tổ chức quản lý nên phải kiên quyết đấu tranh, lồng ghép trong các chính sách an sinh xã hội và tìm cách giảm tác hại của nó thông qua các mô hình thực tế và hiệu quả. Theo Tiến sĩ Dương Văn Đạt, Phụ trách Chương trình Sức khỏe sinh sản của UNFPA Việt Nam: Không thể ngăn chặn hoàn toàn tệ nạn mại dâm mà chỉ tìm cách giảm tác hại thông qua việc xây dựng hệ thống luật pháp, chương trình hoạt động thực tế. Người bán dâm có quyền tham gia vào các can thiệp giảm tác hại.
Can thiệp thành công nếu tôn trọng sự khác biệt của người bán dâm, không xung đột với văn hóa truyền thống, tăng cường các lựa chọn để giúp họ tự đưa ra các quyết định, chủ động hơn và tự kiểm soát. Bà Julia Cabassi, Cố vấn khu vực UNFPA chia sẻ, các yếu tố đảm bảo sự thành công trong việc phòng ngừa, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV./.
Trần Xuân Tình