Thời đại 4.0, trẻ em được tiếp xúc với mạng internet thông qua điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng từ rất sớm. Không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà internet mang lại cho trẻ em trong việc phát triển bản thân, mở mang kiến thức, học tập một cách chủ động. Tuy nhiên, nó cũng là “con dao hai lưỡi”, trẻ dễ dàng tiếp cận với những nội dung nhạy cảm, bạo lực nếu không được người lớn giám sát, hướng dẫn cách sử dụng mạng an toàn.
Đáng lo ngại là tình trạng phụ huynh buông lỏng, không dạy con về an toàn mạng lại diễn ra khá phổ biến. Khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cho thấy, có 89% trẻ em sử dụng internet, trong đó 87% sử dụng hằng ngày, trung bình 5 - 7 giờ nhưng chỉ có 36% trẻ được dạy về an toàn mạng.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, việc cha mẹ thiếu giám sát việc sử dụng internet của con sẽ khiến trẻ đối diện với nguy cơ bị “tấn công” bởi những nội dung xấu. “Tôi từng nhiều năm liền tổ chức các khóa học dạy kỹ năng sống, phát triển tư duy cho trẻ em. Trong hành trình ấy, tôi nhận thấy không ít học viên của mình là nạn nhân của những nội dung độc hại trên internet”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.
Có một học viên của cô Lanh mới chỉ học tiểu học nhưng đã nghiện game nặng, đi ngủ cũng phải ôm điện thoại mới ngủ được. Chơi game bạo lực khiến em không phân biệt được thế giới thực và ảo. Em vô tư hỏi mẹ rằng: “Con giết mẹ thì mẹ có sống lại được không?” bởi nghĩ rằng trên game mình có 5 mạng thì chắc mẹ mình cũng có 5 mạng.
Lại có nữ sinh lớp 8 ở Đà Nẵng, thông qua mạng xã hội đã tham gia vào những nhóm chát chuyên nói chuyện về các vấn đề tình dục nhạy cảm. Từ đó, em quen với một bạn nam ở TP.HCM và bạn này đồng ý bay ra Đà Nẵng để cả hai gặp mặt nhau tại một quán cà phê.
Một lần tình cờ, mẹ của nữ sinh đang dùng máy tính làm việc thì thấy có tin nhắn gửi đến Facebook của con. Tò mò mở ra xem, người mẹ sững sờ phát hiện ra những nhóm chát nhạy cảm của con gái và cả cuộc hẹn kia. Dựa trên địa chỉ trong tin nhắn, đến ngày hẹn, người mẹ tìm đến quán cà phê và đã có cuộc nói chuyện với cậu bạn trai kia. Người mẹ bất ngờ khi nghe cậu ta nói: “Cháu tưởng con cô học đại học rồi, không ngờ mới chỉ học lớp 8”.
Cô Lanh cho biết, trẻ em hay tò mò, thích khám phá và rất dễ bắt chước các hành vi trên internet. Nếu trẻ sớm tiếp xúc với các nội dung độc hại trên mạng như game bạo lực, hình ảnh, ngôn ngữ khiêu dâm, nhạy cảm… thì quá trình hình thành tính cách và hành vi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chưa kể, trẻ có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo, bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục…
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh phân tích: “Công cụ không có lỗi, người dùng mới là nguyên nhân. Bản thân internet không gây hại cho trẻ, mà việc cha mẹ chưa biết cách giúp con dùng internet an toàn mới là nguyên nhân khiến con bị ảnh hưởng bởi những nội dung độc hại”.
Để bảo vệ con trên không gian mạng, cô Lanh khuyên cha mẹ nên cài đặt các ứng dụng ngăn chặn những trang web có nội dung tiêu cực để trẻ không truy cập được. Đồng thời, thường xuyên theo dõi lịch sử truy cập của con để kịp thời phát hiện những bất thường và có giải pháp can thiệp hợp lý.
Quan trọng nhất, cha mẹ cần trang bị cho con những “liều vaccine” - tư duy và nhận thức đúng đắn, để nâng cao khả năng “tự miễn” của con trước những nội dung độc hại. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cách nhận biết đâu là nội dung tích cực, đâu là thông tin, hình ảnh, video tiêu cực, không phù hợp lứa tuổi; hãy dạy con không chia sẻ thông tin cá nhân với những người mới quen trên mạng. Đặc biệt, hãy lắng nghe, thấu hiểu con, “làm bạn” với con để có thể bước vào thế giới của con. Từ đó, cha mẹ mới có thể đồng hành, dẫn dắt con một cách tốt nhất không chỉ trên mạng mà cả trong cuộc sống hàng ngày.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức tại hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trong những năm vừa qua internet mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên các em cũng gặp một số nguy cơ rủi ro khi tham gia môi trường mạng. Để trẻ em tham gia môi trường mạng thực sự được an toàn, bổ ích thì cần có sản phẩm để trẻ được tương tác lành mạnh và sáng tạo. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”.
"Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, việc nâng cao về kỹ năng và giáo dục có vai trò quan trọng. Để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa là quan trọng nhất. Để làm tốt công tác phòng ngừa có rất nhiều giải pháp mà chúng ta cần thực hiện. Trong đó, giải pháp truyền thông để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cho giáo viên, cho cha mẹ và cho chính trẻ em là quan trọng. với cái sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, việc hạn chế hay là việc cấm trẻ em, cấm học sinh tham gia môi trường mạng là không phù hợp. Quan trọng là chúng ta phải tạo vaccine số cho trẻ em để các em có thể tăng được sức đề kháng, sức phòng ngừa, tự bảo vệ được mình, tự phân loại được những nội dung nào là phù hợp với lứa tuổi và biết các địa chỉ cần thông báo, phản ánh khi tiếp xúc những nội dung, clip mà không tuân theo tiêu chuẩn cộng đồng của các nhà mạng hoặc vi phạm cái quy định của pháp luật Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.