Theo ông Phạm Duy Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, dự án có công suất 500 tấn/ngày, xử lý 70 – 90% chất thải thành nguyên liệu và sản phẩm. Về tiến độ triển khai dự án, sau khi san lấp mặt bằng đến tháng 3/2020 bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đặt hàng, chế tạo và lắp đặt thiết bị. Đến tháng 10/2020, nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức trong tháng 9/2021.
Dự án sử dụng công nghệ nhiệt, công nghệ xử lý chất thải lỏng, công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu, xử lý và tái chế chất thải điện tử, công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại và kim loại màu. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định có thể tăng công suất theo công nghệ đốt phát điện, đảm bảo nhu cầu xử lý chất thải rắn ngày càng tăng của Thành phố.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tập trung đầu tiên tại Thành phố với công suất 500 tấn/ngày. Sự ra đời của nhà máy bước đầu đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải nguy hại theo hướng bài bản và tập trung, từng nước giải quyết tình trạng manh mún, riêng lẻ trong vận chuyển và xử lý đối với loại hình rác đặc thù này.
Thời gian qua, Thành phố đã và đang đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu Công nghệ môi trường Xanh (tỉnh Long An). Trên địa bàn có 13 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất 250 tấn/ngày. Tuy nhiên, các cơ sở xử lý này hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động trong khu dân cư, khu công nghiệp, năng lực xử lý chỉ đạt khoảng 50%. Phần chất thải nguy hại còn lại được hóa rắn, lưu chứa tại các chủ nguồn thải được thu gom, vận chuyển về các tỉnh, thành phố khác để xử lý.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.000 nhà máy lớn và 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phải xử lý gần 2.500 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh khoảng 3.500 tấn/ngày. Do đó, việc xây dựng nhà máy xử lý tập trung, quy mô công suất lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Thành phố.
“Thành phố đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác tiên tiến cũng như đầu tư xây dựng thêm các nhà máy mới đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải nói chung, đảm bảo xử lý an toàn 100% lượng rác thải phát sinh”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.