TP Hồ Chí Minh: Tập trung các giải pháp đẩy lùi thực phẩm bẩn

Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024. Đây là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước được thành lập, nên mục tiêu cũng như chiến lược của Sở được nâng lên tầm cao mới, trong đó việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này được chú trọng, nhằm tăng thực phẩm sạch, đẩy lùi thực phẩm bẩn để đảm bảo an toàn thực phẩm toàn dân.

Để hiểu rõ hơn về những thuận lợi cũng như thách thức đặt ra trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân TP Hồ Chí Minh khi chuyển đổi từ mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm lên thành Sở An toàn thực phẩm, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Khánh Phong Lan trong ngày nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Gần 7 năm thí điểm mô hình, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành quả gì, thưa bà?

Tình hình an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, với những giải pháp, chỉ số được đánh giá sau:

Thứ nhất, chúng tôi có đội ngũ đội quản lý an toàn thực phẩm và thường xuyên thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm.

Thứ hai, số vụ việc ngộ độc thực phẩm tập thể đã giảm cả về quy mô lẫn số lượng người mắc. Để đạt được điều này, trong những năm vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tập trung rất nhiều vào công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các bếp ăn tập thể trong trường học, suất ăn công nghiệp trong công ty, xí nghiệp. 

Thứ ba, tăng cung cấp và sử dụng thực phẩm sạch thông qua các chuỗi thực phẩm an toàn, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. 

Tất cả những con số đó cho thấy, tình hình an toàn thực phẩm của Thành phố đã có cải thiện. Tuy nhiên, để nói là tốt nhất hay chưa thì tôi vẫn nói là chưa mà còn phải làm rất nhiều.

Thưa bà, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết được những vấn đề gì mà trước đây Ban Quản lý An toàn thực phẩm vẫn chưa thể thực hiện được?

Trước đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm được thành lập từ 3 ngành để tạo ra hệ thống quản lý thực phẩm đến tận quận, huyện, phường, xã và các chợ đầu mối gồm: Y tế, Nông nghiệp và Công Thương. Theo đó, 10 đội quản lý an toàn thực phẩm vừa là thanh tra của Ban, vừa gắn kết với địa phương để nắm bắt tình hình, giải quyết sự vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý. Chẳng hạn, khi chúng tôi đi kiểm tra, có những đơn vị họ không hỏi chúng tôi là phạt cái đó có đúng không, mà hỏi chúng tôi là có tư cách để xử phạt hay không?  Khi được nâng lên thành Sở An toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý và chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn để tăng cường lực lượng và làm việc tốt hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào nhiều hơn trong các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về chuỗi thực phẩm an toàn, để làm sao ngày càng tăng thực phẩm sạch và đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước, bà có thể cho biết những áp lực cũng như khó khăn sẽ gặp phải trong thời gian tới?

Chắc chắn là sẽ có những áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là từ cộng đồng. Tuy nhiên, chính những áp lực đó sẽ tôi luyện đội ngũ chuyên viên, cán bộ của chúng tôi càng ngày càng hoàn thiện và chủ động hơn trong công việc. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kết nối với cơ quan báo chí nhiều hơn nữa, làm sao để tăng cường thông tin kịp thời đến cộng đồng.

Còn về khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, đó là đang rất thiếu về biên chế và con người. Do không đủ lực lượng, nên hiện nay, chỉ mới có 10 đội an toàn thực phẩm. Các đội này không chỉ làm công tác thanh tra, mà còn làm rất nhiều công việc như đi lấy mẫu giám sát, tuyên truyền, xử lý ngộ độc thực phẩm… Theo chủ trương, mỗi chợ đầu mối phải có một đội an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mới chỉ có chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là có đội an toàn thực phẩm; còn chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức phải ghép với đội quản lý an toàn thực phẩm số 2. 

Trong khi đó, khi mới thành lập Ban chúng tôi được giao 468 biến chế từ 3 Sở, ngành. Hiện nay, Sở chỉ còn 369 người. Chúng tôi không đề nghị tăng thêm biên chế mà chỉ mong giữ mức biên chế như lúc trước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy còn rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đến từ ý thức người dân và cộng đồng khi vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm mất an toàn. Nguyên nhân, phần lớn điều kiện kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn, do đó họ tạm hài lòng với thực phẩm trôi nổi vỉa hè với giá rẻ hơn. Vì vậy, tôi cho rằng an toàn thực phẩm phải nằm trong quần thể chung, phát triển đồng bộ với tình hình kinh tế xã hội.

Thưa bà, trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của Sở An toàn thực phẩm Thành phố là gì và đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn này ra sao?

Mặc dù có sự chuyển đổi về mô hình từ Ban lên Sở, nhưng không ngày nào chúng tôi có “khoảng trống”. Tức là, các công việc vẫn được bảo đảm và xuyên suốt để người dân có được một cái Tết an toàn, không có vụ ngộ độc thực phẩm. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết đã được chúng tôi tiến hành cách đây 2 tháng. Chúng tôi đã thành lập 11 đoàn thanh kiểm tra ở tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và chợ đầu mối. Trước đó, chúng tôi tập trung vào kiểm tra các kho, nơi dự trữ nguyên liệu thực phẩm. Còn từ nay đến Tết,  sẽ tập trung vào kiểm tra ở các khâu phân phối như chợ đầu mối, chợ truyền thống… Bên cạnh công tác thanh tra, sẽ tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng phòng ngừa ngộ độc.

Trong năm 2024, Sở cũng có kế hoạch để công tác thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm nâng lên một tầm cao hơn. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh liên kết và phối hợp quản lý cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh, thành và TP Hồ Chí Minh để đảm bảo thực phẩm sạch từ nguồn; cùng doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TP Hồ Chí Minh; thực phẩm vào thành phố phải đạt được những tiêu chuẩn theo đúng quy định; tăng thực phẩm sạch và đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Chúng tôi tiếp tục nâng lên tầng cao mới về công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, làm sao ứng dụng công nghệ cao vào trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm như là một nhánh trong chủ trương của khoa học phát triển công nghệ.

Về công tác thanh tra, chúng tôi sẽ tập trung vào chất lượng của các cuộc thanh tra và thanh tra phải có hiệu quả. Theo đó, tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh thanh tra đột xuất, thanh tra theo thông tin để tất các các doanh nghiệp, cơ sở không lơ là trong việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm, chấp hành quy định mọi lúc, mọi nơi.

Có thể nói, hiện chúng tôi đang giữ một nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả 3 ngành gồm: Y tế, nông nghiệp và công thương. Chúng tôi mong luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của cộng đồng và sẽ cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ.

Xin cảm ơn bà!

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức của Sở và triển khai ngay các công việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp tới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy đinh.

Liên kết với các tỉnh, gắn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý nghiêm, kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

 

Đan Phương (thực hiện)/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước
TP Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

Sáng 19/9, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN