Vụ sạt lở đường dân sinh sát sông Rạch Tôm tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 5 vừa qua (vết nứt dài 40m, rộng từ 1 - 6cm, cách bờ sông từ 1 - 6m, tường rào một số nhà dân cũng bị nứt) tuy không gây thiệt hại về người nhưng với diễn biến xử lý vết nứt khó khăn trong điều kiện thuỷ văn phức tạp gây tâm lý lo âu, thấp thỏm đối với các hộ dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do dòng chảy qua khu vực không ổn định, tạo hố xoáy trong khi bờ sông đoạn bị sạt lở chưa được xây kè. Đường dân sinh được xây dựng trên nền đất yếu, lượng phương tiện đi lại khá cao nên khi triều cường dâng lên rồi rút xuống khiến nền đất bị xói lở.
Mặt khác, do khu vực trên chưa được xây dựng bờ kè kiên cố mà chỉ như đất tự nhiên ven rạch nên nguy cơ sạt lở khi mưa lớn hoặc triều dâng khá cao. Hiện các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục, xử lý vết nứt, kè bờ cũng như di dời người dân ra khu vực an toàn.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/5, Sở đã xác định được 40 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Riêng mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại quận 2 có 3 điểm, quận Thủ Đức có 1 điểm, quận Bình Thạnh có 3 điểm, huyện Bình Chánh có 2 điểm, huyện Nhà Bè có 11 điểm và huyện Cần Giờ có 3 điểm.
Trong thời gian qua, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo các quận huyện, sở ban ngành phối hợp thực hiện công tác phòng, chống, xử lý sạt lở bờ sông đồng thời bố trí vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Thành phố khuyến khích chủ đầu tư dự án, các cá nhân đầu tư xây dựng bờ kè, sông, kênh, rạch, nhằm đảm bảo sự ổn định bờ sông, kênh, rạch, chống xói lở và bảo vệ an toàn các công trình xây dựng ven sông, kênh và rạch.
Về các biện pháp công trình, đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết, đang triển khai 33 dự án tại 35 vị trí sạt lở; trong đó, các đơn vị trực thuộc gồm Khu Quản lý đường thủy nội địa, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 được giao làm chủ đầu tư 22 dự án/22 vị trí (17 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 5 vị trí nguy hiểm).
UBND các quận - huyện và các đơn vị khác làm chủ đầu tư 11 dự án/13 vị trí (5 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 7 vị trí nguy hiểm, 1 vị trí bình thường). Hiện vẫn còn 5 vị trí còn lại chưa có dự án đầu tư.
Đối với các biện pháp phi công trình, Sở Giao thông vận tải đã giao Khu Quản lý đường thủy nội địa phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành cắm biển báo khu vực sạt lở bờ sông, thường xuyên kiểm tra để cảnh báo khu vực xuất hiện dấu hiệu sạt lở.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các vị trí sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn kịp thời để thực hiện 33 dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở. Đối với các vị trí sạt lở còn lại, trong giai đoạn 2017 - 2018, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với các vị trí sạt lở ở cấp độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận - huyện thực hiện việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch; thường xuyên kiểm tra và vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch, di dời vật liệu, hàng hóa trên hành lang bảo vệ bờ sông.
Ngoài ra Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.