Ông Phạm Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết, công ty PouYuen là doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông lớn nhất TP Hồ Chí Minh, gồm lao động đến từ các tỉnh lân cận như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang... Trong mùa dịch bệnh vừa qua, công ty đã phải chấm dứt hợp đồng lao động với 2.786 công nhân. Để người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp nhanh nhất, dự kiến trong vòng 10 ngày, ngành BHXH sẽ chốt xong sổ BHXH cho người lao động khi nhận được các quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty PouYuen.
"Hiện nay, BHXH TP Hồ Chí Minh đã giải quyết xong chế độ cho các đối tượng ốm đau, thai sản và đang phối hợp với công ty để tiến hành thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động. Mặc dù có số lượng công nhân đông nhất thành phố và số tiền đóng các khoản BHXH, BHYT lớn nhưng vừa qua công ty PouYuen luôn tuân thủ rất tốt các quy định pháp luật về đóng các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Đặc biệt, công ty này cũng không để xảy ra tình trạng nợ, chậm đóng nên các trợ cấp liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn các công ty khác”, ông Phạm Văn Mến nói.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, trong số những lao động phải chấm dứt HĐLĐ lần này, người được trợ cấp cao nhất là hơn 300 triệu đồng, người thấp nhất là 3 triệu đồng (do mới vào làm), bình quân là 60 - 70 triệu đồng/người. Vì vậy, một số công nhân đã đề nghị Cục thuế không nên khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân cho khoản trợ cấp mà công ty PouYuen chi trả cho họ.
“Sau khi xem xét kiến nghị của công nhân, UBND quận nhận thấy đây cũng là một việc nên làm để giúp người lao động có thêm một khoản trợ cấp giúp công nhân giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống sau mùa dịch nên đã có văn bản kiến nghị Cục thuế TP Hồ Chí Minh không thu 10% thuế thu nhập cá nhân của công nhân”, ông Đỗ Đình Thiện nói.
Theo báo cáo của UBND quận Bình Tân, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty PouYuen phải chấm dứt HĐLĐ với 2.786 công nhân theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao Động 2012 (do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc). Sau khi chấp dứt HĐLĐ, ngoài việc chi trả các chế độ theo pháp luật, công ty cũng sẽ trả cho người lao động mỗi năm làm việc tại công ty là 1 tháng lương (bình quân của 6 tháng cuối cùng trước khi chấm dứt HĐLĐ). Thời gian để tính trợ cấp này không tính vào thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.