Thêm 16.815 ca nhiễm mới
Từ 16 giờ ngày 6/2 đến 16 giờ ngày 7/2, Việt Nam ghi nhận thêm 16.815 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Nghệ An có số ca mắc trong ngày cao nhất.
Trong số các ca nhiễm mới, có 6 ca nhập cảnh và 16.809 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.704 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.147 ca trong cộng đồng).
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.358.786 ca nhiễm; từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.351.676 ca, trong đó có 2.119.563 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 9.665 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.122.380 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.194 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 6/2 đến 17 giờ 30 ngày 7/2 ghi nhận 100 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.424 ca.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương hoàn thành tiêm vaccine Abdala trong tháng 2/2022
Bộ Y tế đã có công văn gửi các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine Abdala.
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Trong các tháng 10 - 11/2021, Bộ Y tế phân bổ 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ Y tế đã xem xét nhu cầu sử dụng vaccine để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala cho nhóm người từ 19 đến 65 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1/2022, số vaccine Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 64/CĐ- TTg ngày 19/1/2022 về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 và để sử dụng hiệu quả vaccine Abdala hiện còn ở một số địa phương, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng tiêm chủng, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân đi tiêm mũi 2, mũi 3 vaccine Abdala.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala trong tháng 2/2022, kiên quyết không để vaccine phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng.
Tại công văn này, Bộ Y tế nêu rõ, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo và hoàn thành trong tháng 2/2022. Nếu tỉnh nào để vaccine Abdala phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng thì Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Vaccine Abdala của Cuba được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 17/9/2021, là vaccine COVID-19 thứ 8 nước ta phê duyệt. Mỗi liều vaccine Abdala 0,5ml chứa 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine này được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
Vaccine Abdala chỉ định tiêm phòng cho người từ 19 tuổi đến 65 tuổi, lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày.
Hà Nội xấp xỉ mức 3.000 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong ngày 7/2
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 6/2/2022 đến 18 giờ ngày 7/2/2022, Hà Nội ghi nhận 2.988 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, quận Hoàng Mai có số mắc cao nhất trong ngày.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 425 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (184); Đống Đa (156); Chương Mỹ (152); Hà Đông (151); Đông Anh (148)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 154.170 ca.
Đề xuất học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành Hà Nội đến trường từ 21/2
Chiều 7/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin về thời gian đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành.
Theo đó, sáng 7/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, học sinh khối 9 và khối 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến trường học trực tiếp theo kế hoạch. Từ 8/2, được sự đồng ý của UBND Thành phố, Hà Nội có thêm học sinh khối 7, 8, 10, 11 (cấp THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên) đến trường.
Với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương bước 1 sẽ cho học sinh tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2. Lý do bởi qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp học này ở 12 quận thường cư trú ở nhiều địa bàn nhau còn tại 18 huyện, thị xã thì chủ yếu học sinh ở địa bàn nào đều học ở trường thuộc địa bàn đó, như vậy sẽ đảm bảo an toàn khi triển khai học trực tiếp.
Với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, sau khi cho đối tượng học sinh này tại 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT sẽ có đánh giá sơ bộ; nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận được đến trường.
Cũng như các lần triển khai trước, một trong những công tác quan trọng trong tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là việc ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong thực hiện “một cung đường hai điểm đến”; các bước lưu ý khi phát hiện F0; ngoài ra các trường cần xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung) của Bộ GD&ĐT. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD& ĐT và Tổ chức Y tế thế giới.