Tiếp tục chống dịch COVID-19 với tinh thần kiên quyết, bình tĩnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình và giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 24/2 khẳng định chủ trương kiên quyết nhưng bình tĩnh để chống dịch. Trong ngày, các địa phương trong cả nước triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt và hiệu quả. Trong khi đó, thị trường vàng vốn nhạy cảm với các biến động, đã biến động mạnh.

Trong ngày 24/2, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) tiếp tục diễn biến phức tạp tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt tại Hàn Quốc, Nhật Bản… là những quốc gia có mối quan hệ kinh tế, giao thương hàng đầu với Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 lên xe cứu thương tại thành phố Daehu, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình và giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Thời gian qua, Cả hệ thống chính trị nước ta đã vào cuộc, phản ứng hết sức trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ, nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn cùng chính quyền. Do đó, công tác phòng chống dịch đạt nhiều kết quả, thành công ban đầu, tạo niềm tin của nhân dân, quốc tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Thủ tướng nhấn mạnh: "Không để tình trạng lây lan ảnh hưởng đến Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân là yêu cầu, việc phải làm cho được, đây là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay".

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn là tiếp tục các biện pháp phòng chống hiệu quả, khống chế dịch COVID-19 tại Việt Nam một cách căn bản. Không được chủ quan đối với dịch. Thủ tướng yêu cầu tất cả các cấp, ngành thực hiện các biện pháp đồng bộ, cách ly kịp thời mọi trường hợp từ vùng có dịch đến Việt Nam; thực hiện tốt công tác khoanh vùng, dập dịch như tại Vĩnh Phúc vừa qua... Ngành Y tế cả nước thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; phát hiện sớm các trường hợp, đề phòng chủ động; hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo người dân hạn chế, không đi đến những vùng có dịch bệnh khi không cần thiết. Các chuyến bay cần được tính toán; các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan...

Thủ tướng đồng ý ban hành thêm 1 Chỉ thị về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 sau cuộc họp Thường trực Chính phủ này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch. Cố gắng thực hiện mục tiêu kép, đó là chống dịch tốt nhưng vẫn đảm bảo vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh...". Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để bảo đảm ổn định các mặt của đời sống xã hội, khi dịch giảm hoặc dịch dừng lại thì đất nước kịp phục hồi sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội.

Về lịch cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể tình hình dịch bệnh quốc tế để quyết định trong cuộc họp tiếp theo của Thường trực Chính phủ dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra sáng 24/2, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Từ 15 giờ chiều ngày 23/2, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng triển khai việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu. Đối với những trường hợp có sốt, ho, khó thở... sẽ được cách ly theo quy định. Trước đó, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Giao thông, Công an, Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao – Du lịch và Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan khác để phân tích tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc và đề xuất những biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc và đưa ra quyết định sau khi thống nhất các ý kiến tại cuộc họp. Bộ Y tế trong ngày 24/2 cũng ra công văn yêu cầu các địa phương áp dụng tờ khai y tế với khách đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, bố trí phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc hỗ trợ tại các cửa khẩu.

Chú thích ảnh
Kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ảnh: TTXVN

Trong ngày 24/2, các địa phương, các ngành các cấp cũng nỗ lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm phòng chống dịch, đặc biệt là việc đảm bảo rà soát về y tế với những cá nhân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh.

Ngày 24/2, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi có đông khách du lịch nước ngoài, đã tập trung rà soát các trường hợp người nước ngoài lưu trú, học tập, làm việc trên địa bàn quận, đặc biệt là du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ý, Pháp, Trung Quốc và Đài Loan, Ma Cao, Hong Kong (Trung Quốc) để quản lý chặt chẽ di biến động hàng ngày. Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát danh sách giáo viên và học sinh, người thân… có đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng có dịch COVID-19 trong vòng 14 ngày (trước ngày 24/2). Cũng tại TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra tờ khai y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 1 trường hợp từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) có biểu hiện ho, không sốt. Bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để lấy mẫu xét nghiệm. Cùg với bệnh nhân này, 2 trường hợp nhập cảnh vào Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đến từ tỉnh Daegu (Hàn Quốc không có triệu chứng bệnh lý đường hô hấp, nên được cách ly kiểm dịch tại Bệnh viện Dã chiến huyện Củ Chi.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt hủy các tour đi đến hai quốc gia này từ hôm nay (24/2) cho đến hết tháng ba.

Ngày 24/2, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) họp bàn về công tác quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi đang có số ca nhiễm dịch COVID-19 gia tăng trong mấy ngày gần đây. Chiều ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có công văn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương lên các phương án hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản; đồng thời quản lý số lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến làm việc tại Việt Nam.

Ngày 24/2 cũng đánh dấu sự biến động mạnh của thị trường vàng – thị trường đặc biệt nhạy cảm với các thông tin kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới. Theo đà tăng của giá vàng thế giới, chỉ trong vòng vài tiếng chiều tối 24/2, giá vàng miếng SJC đã từ mức 47,5 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng, tăng thêm 2,1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, người dân cần hết sức thận trọng nếu đầu tư vào vàng lúc này. Vàng đã lên cao thì cũng có khả năng rớt mạnh nên càng không nên đầu tư “lướt sóng”. Về dài hạn, vàng có thể sẽ tăng nhưng rủi ro khá lớn. Do đó, không nên dồn hết tiền vào kim loại quý.

Trong một diễn biến tích cực, theo văn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 24/2 về triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng chủ động rà soát thiệt hại và lên phương án cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh COVID- 19. Các tổ chức tín dụng được chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng. Yêu cầu là cần phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Cũng trong ngày 24/2, Bộ Y tế có văn bản quyết định dừng các hoạt động tôn vinh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) để tập trung chống dịch COVID-19.

Thống kê luỹ kế của Bộ Y tế, tới 20 giờ ngày 24/2, thế giới có 79.515 ca mắc COVID-19; số tử vong là 2.626. Trong đó, riêng Trung Quốc có 77.150 trường hợp mắc bệnh, 2.592 ca bệnh đã tử vong. Đáng chú ý, tính đến 17 giờ ngày 24/2, đã có thêm 2 ca tử vong tại Hàn Quốc do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong tại đây lên 8 người. Cũng theo số liệu cập nhật, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc đã tăng lên tới 833 người. Riêng khu vực thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk là 681 trường hợp. Một số quốc gia khác cũng xuất hiện dịch bệnh.
Việt Nam vẫn chưa phát hiện thêm bệnh nhân COVID-19, có 15/16 ca bệnh đã được điều trị thành công và xuất viện.

P.H

PV/Báo Tin tức
Ngân hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Ngân hàng được cơ cấu nợ, giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Các tổ chức tín dụng được chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng. Yêu cầu là cần phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN