Tiền Giang: Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết: Sở đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tháo gỡ những vướng mắc trong việc cấp phép xuất khẩu gạo. Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày 1/10, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, ở địa phương mới có 1 doanh nghiệp là Công ty Lương thực Tiền Giang được cấp phép. 13 hồ sơ khác đã được Sở Công Thương Tiền Giang thẩm định bước đầu trình Bộ Công Thương và 2 hồ sơ bị loại do chưa đảm bảo những điều kiện tối thiểu theo Quyết định số 560 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thực hiện Nghị định 109 về kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo, thiết bị...

Sở Công Thương Tiền Giang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại một số nội dung quy định về quy chuẩn và cơ sở xay xát thóc, gạo... do còn nhiều điểm chưa hợp lý và chưa sát với tình hình sản xuất kinh doanh gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đơn cử như Quyết định 560 buộc doanh nghiệp phải có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ và kho chứa 5.000 tấn nhưng thực tế ở tỉnh Tiền Giang, 95% cơ sở mua gạo nguyên liệu từ các nơi về lau bóng xuất khẩu hoặc lau gia công cho các đơn vị thu mua xuất khẩu. Quyết định 560 cũng qui định nhà máy xay xát phải có lò sấy, có phòng thí nghiệm... nhưng những thiết bị và cơ sở kỹ thuật chuyên sâu này đều nằm tại các cơ sở lau bóng gạo. Ông Liêm cho biết thêm, việc qui chuẩn các tiêu chí đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo là cần thiết, tạo thuận lợi trong việc nâng khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế nhưng những tiêu chí như doanh nghiệp phải có lò sấy công nghiệp, thiết bị xông hơi, khử trùng, phòng phân tích thí nghiệm... trong trường hợp chưa bắt buộc thì khuyến khích đầu tư, còn nếu bắt buộc thì phải có lộ trình để doanh nghiệp gỡ khó.

Minh Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN