Thông tin tới báo chí sau sự cố hỏng lốp máy bay A321 của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bay từ Đà Nẵng đến Hà Nội vào 8 giờ 30 phút sáng 8/1, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết thông tin trên.
Theo đánh giá ban đầu, mức độ nguy hiểm ở mức C do có triển khai hoạt động khẩn nguy, mức dự phòng 300%.
Toàn bộ hệ thống an ninh, an toàn bay của Sân bay quốc tế Nội Bài bao gồm cả sự tham gia của lực lượng quân đội đã vào cuộc, với sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Cục Hàng không Việt Nam, Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài và Vietnam Airlines phối hợp điều hành.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh chia sẻ, hai phương án đã được đặt ra, bao gồm hạ cánh thường và phun bọt đường băng để hạ cánh. Tuy nhiên, lựa chọn phương án nào còn phụ thuộc rất nhiều đến tình trạng của máy bay và phải chờ đến những giây cuối cùng trước khi máy bay hạ cánh mới có thể quyết định được.
Máy bay Airbus A321, số hiệu đăng ký VN601, được Vietnam Airlines đưa vào khai thác từ năm 2013, lần bảo dưỡng gần nhất là tháng 10/2015. |
Cùng lúc đó, tổ bay sử dụng biện pháp kiểm tra bằng mắt thường qua ống nhòm, thông báo chiếc lốp bị hỏng chỉ có hiện tượng xịt chứ không vỡ. Ngoài ra, 1 chiếc lốp còn lại trong cùng cụm bánh bên trái vẫn hoạt động tốt. Trên cơ sở đó, tổ bay đã quyết định xin hạ cánh bình thường.
Nhận định về tình huống, nhóm ký thuật không lưu đã xin ý kiến chỉ đạo, triển khai phương án không lưu theo yêu cầu của tổ lái. Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM phân tích, nếu dải bọt để máy bay hạ cánh bằng càng và lốp sẽ gây hiện tượng trơn trợt, khó kiểm soát.
“Ứng xử kỹ năng của anh em kiểm soát không lưu và tổ lái rất chính xác. Tổ lái tâm lý vững đưa ra các quyết định chuẩn xác và kịp thời. Trong trường hợp máy bay hỏng hay nổ một lốp và chiếc lốp bên cạnh không bị ảnh hưởng thì máy bay vẫn có thể hạ cánh bình thường”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, tại thời điểm lúc đó, có 10 chiếc máy bay khác đang hoạt động trong cùng một phạm vi bay. ACC phải triển khai đủ phương án để đảm bảo an toàn cho những tàu bay này.
Bằng các biện pháp xử lý kỹ thuật nhay nhạy, chính xác và kịp thời, tới 10 giờ 24 phút cùng ngày, chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tổng số 162 hành khách đã được di chuyển khỏi máy bay bình thường.
Trả lời thắc mắc của một số phóng viên về nguyên nhân xảy ra sự cố y hữu nói trên, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, qua kiểm tra ban đầu cho thấy lốp máy bay bị một vết cắt hằn sâu. Nguyên nhân có thể do tác động từ vật ngoại lai hoặc có thể do lốp. Sau khi nhận được thông tin sự cố, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra lại đường băng, nhưng không phát hiện tượng nào bất thường.
Ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, đây là sự cố xịt lốp đầu tiên của máy bay thương mại A321 của Việt Nam. Trước đó, máy bay nước ngoài khi hạ cánh xuống Nội Bài đã gặp sự cố tương tự.