Cổng đập Ba Lai. Ảnh: tuoitre.vn |
Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với người dân huyện Bình Đại về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 và công tác chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn mùa khô 2016 – 2017, vừa được tổ chức, ông Phan Lê Ba, xã Thạnh Trị đã đưa ra câu chuyện trên.
Dự án ngọt hóa sông Ba Lai có tên là Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, là dự án thủy lợi có qui mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm này. Dự án có mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất cho trên 100.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp nước ngọt cho hơn 600.000 dân của 5 huyện: Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre.
Dự án đặt mục tiêu biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt, với nhiều hạng mục công trình; trong đó có cống, đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai.
Năm 2002, một con đập ngăn sông Ba Lai, từ xã Thạnh Trị vắt ngang sông kéo sang xã Tân Xuân (Ba Tri), tất nhiên có cống để điều tiết nước hình thành. Từ đây, sông Ba Lai, với cửa sông cũng mang tên cửa Ba Lai, một trong 9 cửa của sông Cửu Long chính thức bị ngăn lại.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thôi thì sông Ba Lai chưa thể là một hồ nước ngọt được. Bởi vì dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre còn nhiều hạng mục khác; trong đó có hai công trình quan trọng: đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa và Chẹt Sậy.
Nhưng do những công trình này chưa được xây dựng nên hàng năm, nước mặn từ sông Cửa Đại đổ vào sông Giao Hòa, rồi từ sông Giao Hòa đổ tiếp vào sông Ba Lai. Do đó mà sông Ba Lai…mặn quá vào mùa khô.
Vì sao, sau khi hoàn thành đập, cống ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai đến nay không xây dựng đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa và Chẹt Sậy? Nguyên nhân là do thiếu vốn. Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh – cho biết: Để thi công hai hạng mục đập và âu thuyền và một số hạng mục khác cần nguồn vốn khoảng 200 triệu USD – số tiền này ngoài khả năng của tỉnh.
Vì vậy, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tranh thủ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Ông Trọng cũng cho biết tổ chức JICA (Nhật Bản) đã đến Bến Tre khảo sát địa điểm xây dựng đập và âu thuyền. Tuy nhiên, việc khởi công có thể còn phải chờ đến…năm 2020.
Như vậy, để có nước ngọt dùng cho sinh hoạt trong mùa khô, người dân Bình Đại và các huyện khác sẽ phải dựa vào các công trình nhỏ, vốn đầu tư ít hơn như xây dựng kênh Lấp, huyện Ba Tri, thành hồ chứa nước ngọt, phấn đấu khởi công trong năm 2016.
Dù gì thì hình ảnh những chiếc xe máy cày hay xe bò kéo chở nước đem đổi cho người dân, với giá từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/m3, chắc chắn vẫn còn diễn ra trong những mùa khô tới. Điều đáng nói là nước đó được lấy từ những chiếc giếng đào trên giồng cát, chưa qua xử lý…