Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường thời lượng bắn pháo hiệu ngay từ bây giờ để cảnh báo cho tàu thuyền và ngư dân ven biển. Đó là chỉ đạo của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sáng 20/12 tại Hà Nội.
Để chủ động ứng phó, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi kiểm tra việc an toàn hồ chứa thuỷ lợi đảm bảo cho sản xuất cũng như việc tích nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông kích hoạt hệ thống tin nhắn về áp thấp nhiệt đới, bão nếu diễn biến phức tạp để nhân dân biết và chủ động phòng tránh
Bộ Ngoại giao sẵn sàng gửi công hàm cho các nước tạo điều kiện cho tàu thuyền tránh trú áp thấp nhiệt đới, bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, cung cấp kịp thời sát thực tế các bản tin dự báo cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, tối 19/12, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông. Lúc 7 giờ sáng 20/12, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh, khoảng 25 km/giờ, ngày và đêm 20/12, áp thấp nhiệt đới có sức gió mạnh cấp 8. Đêm 21 và ngày 22/12, áp thấp nhiệt đới có sức gió cấp 9, có xu hướng suy yếu khi di chuyển vào đất liền. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió rất mạnh do kết hợp với không khí lạnh.
"Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và di chuyển vào khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau. Vấn đề nguy hiểm nhất là gió mạnh, đặc biệt là khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió rất mạnh, ven bờ có thể cấp 9, khu vực Bình Thuận đến Cà Mau, cường độ gió đạt cấp 7", ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, mưa tập trung ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận sau đó mở rộng ra toàn khu vực Nam Bộ, tuy nhiên lượng mưa không lớn (khoảng 50-150 mm).
Thông tin từ Bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 20/12, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 phương tiện/255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa là 1.326 tàu/8.925 người (các phương tiện đang di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú); hoạt động khu vực khác là 12.573 tàu/68.982 người; neo đậu tại các bến 32.783 tàu/177.486 người.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 6 giờ ngày 20/12, hiện có 138 tàu đang ở trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới (Bình Định 63; Khánh Hòa 21; Phú Yên 41; Quảng Nam 1; Quảng Ngãi 12).