Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo từ 7 giờ ngày 20/10 đến 7 giờ ngày 21/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
* Chủ động ứng phó với bão và mưa lũ
Sáng 20/10, tại Hà Nội, trong cuộc họp ứng phó với mưa lũ, bão số 8, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm, thông báo cho chủ tàu, các phương tiện hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển, tránh trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao có công hàm và thông tin tới các nước vùng bão ảnh hưởng tạo điều kiện cho việc tránh trú của các tàu.
Ông Vũ Xuân Thành cho biết, đợt thiên tai lần này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo là có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cấp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp). Với tính chất trên, các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi mưa bão tiếp tục thực hiện Điện ngày 16/10 của Thường trực Ban Bí thư, Công điện số 1411/CĐ-TTg ngày 18/10 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 27/CĐ-TWPCTT ngày 17/10 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;
Công điện số 28/CĐ-TWPCTT, số 29/CĐ-TWPCTT ngày 19/10/2020 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tập trung vào việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập. Tổ chức vận hành, bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn. Phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Xuân Thành nhấn mạnh, cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên cung cấp thông tin diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia Trần Quang Năng cho biết, ngày 20/10, các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mưa sẽ giảm và đến khoảng đêm 20/10 sẽ hết mưa. Lượng mưa giảm tại các tỉnh trên sẽ kéo dài tới khoảng ngày 21/10.
Tuy nhiên, theo ông Năng, các khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên sẽ có mưa to (trọng tâm mưa là các khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi) với lượng mưa khoảng 100-150 mm. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có khả năng sẽ diễn biến hết sức phức tạp.
"Bão số 8 là cơn bão mạnh khi vào Biển Đông với sức gió có thể giật cấp 11-12, sau đó kết hợp với không khí lạnh. Từ nay tới khoảng ngày 23/10, không loại trừ bão có khả năng tăng cấp trên quần đảo Trường Sa", ông Năng lưu ý.
Ông Năng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có biện pháp xử lý đối với công tác thông tin dự báo thời tiết không chính xác, không chính thống trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Vấn đề này cần được xử lý kịp thời để đảm bảo người dân được tiếp cận với những thông tin chuẩn xác từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, trên cơ sở đó giúp việc chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai đạt hiệu quả và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Theo Phó Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị ở khu vực nguy hiểm chủ động di dời nên hiện chưa có thiệt hại về người và tài sản, đồng thời Bộ Tư lệnh cũng thường xuyên theo dõi sát diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động thông báo, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn.
* Xuất gạo hỗ trợ nhân dân miền Trung
Chiều 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.
Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.
Các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.
* 132 người chết và mất tích với nhiều thiệt hại nghiêm trọng
Tính đến 6 giờ ngày 20/10, mưa lũ từ 6-19/10 đã làm 132 người chết và mất tích, trong đó có 105 người chết (Nghệ An 1, Hà Tĩnh 2, Quảng Bình 6, Quảng Trị 49, Thừa Thiên - Huế 27, Quảng Nam 11, Đà Nẵng 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2); 27 người mất tích gồm: Nghệ An 1, Hà Tĩnh 1, Quảng Trị 8, Thừa Thiên - Huế 15 người (công nhân tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 1, Gia Lai 1; 16 tuyến Quốc lộ, 165.150m đường Quốc lộ, 140.125m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); 6.989 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết hoặc bị cuốn trôi.
Tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy thi thể của tất cả 22 cán bộ, chiến sỹ tại vị trí sạt lở Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4), xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Hiện tại, ngập lụt, chia cắt tại 3 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và 1 vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh cũng đang bị ngập lụt, chia cắt.