Thảo luận các nội dung về an ninh mạng và mật mã trong nền an ninh quốc gia

Lần đầu tiên, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia”.

Chú thích ảnh
Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) Bình Phước.  Ảnh minh hoạ

Trên 300 đại biểu của gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hơn 50 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương sẽ cùng thảo luận các nội dung quan trọng tại Hội thảo khao học Quốc gia với chủ đề “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia” do Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 15/6/2023 tại Hà Nội.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, mật mã và quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia. Hội thảo cũng làm sáng tỏ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như cơ sở chính trị, pháp lý để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đánh giá thực trạng của vấn đề, từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu cũng như tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng; đề xuất và kiến nghị các cơ chế, chính sách về văn hóa, sức mạnh mềm trong an ninh mạng, mật mã, chính sách quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Hội thảo được điều hành dưới sự chủ trì của GS, TS. Tạ Ngọc Tấn – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm Đề tài KX04-32/21-25.

Có khoảng 8 nội dung chính được trình bày và thảo luận tại Hội thảo, gồm: “Bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng hiện nay”; “Thực trạng quản trị an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trong quá trình quản trị an ninh mạng”; “Mật mã trong nền an ninh Quốc gia”; “Hợp tác quốc tế và khu vực trong phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng”; “Một số vấn đề đặt ra trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; “Xu hướng tấn công mạng và giải pháp”; “Đảm bảo an ninh mạng cho các trung tâm dữ liệu”; “Dự báo tình hình, yếu tố tác động đến việc phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ về an ninh mạng trong thời gian tới”…

Hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”, mã số KX.04.32/21-25, thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì, PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí – Tuyên truyền là Chủ nhiệm đề tài.

Chia sẻ về Hội thảo khoa học Quốc gia, TS. Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu: “Hội thảo có vai trò quan trọng trong việc xác định và làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng và mật mã, quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia. Với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia. Những ý kiến thảo luận trong Hội thảo có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng về quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia tại Việt Nam”.

 

PV/Báo Tin tức
EU xem xét siết chặt quy định về an ninh mạng
EU xem xét siết chặt quy định về an ninh mạng

Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn đang tìm cách đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm những dữ liệu nhạy cảm, Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo an ninh mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN