Tập trung khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Ngày 29/12, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Khôi phục sản xuất sau mưa lũ tại các tỉnh miền Trung” với sự tham dự của đại diện của 13 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Tại hội nghị, các địa phương đã nêu lên những khó khăn trong triển khai vụ Đông Xuân; trong đó tập trung vào vấn đề thiếu các loại giống cây trồng, khôi phục lại hệ thống thủy lợi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân 2016 - 2017 đến ngày 23/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ đối với cây lúa đạt 45.595 ha, chiếm hơn 20% kế hoạch. 

Do ảnh hưởng của mưa lũ liên tục nên thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm nay có chậm hơn và có thể kéo dài đến ngày 20/1/2017. Về cây rau màu, diện tích đã gieo trồng đạt 31.445 ha, đạt gần 19% kế hoạch. Các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đang đề xuất Trung ương hỗ trợ hơn 4.959 tấn giống cây trồng, trong đó lúa là 4.355 tấn, ngô là hơn 293 tấn, 240 tấn lạc, hơn 71 tấn rau.

Nông dân Quảng Nam khẩn trương ra đồng sản xuất vụ Đông Xuân sau mưa lũ.

Theo khuyến cáo từ Cục Trồng trọt, với diện tích lúa vụ Đông Xuân bị ngập nhưng còn khả năng khôi phục lại các địa phương cần tích cực tiêu thoát nước nhưng không rút kiệt nước, duy trì mực nước trong ruộng từ 1 - 2 cm để đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp. Nếu có bùn đất bám trên cây lúa, nông dân cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp, sinh trưởng. 

Tăng cường chăm sóc, sử dụng các loại phân bón kích thích ra rễ, phân bón lá thích hợp chứa các chất dinh dưỡng trung, vi lượng như canxi, magiê, kẽm, silic…để giúp cây phục hồi nhanh. Sau khi cây hồi phục 5 - 6 ngày, cần tiến hành tỉa dặm để đảm bảo mật độ. 

Đồng thời, nông dân cần bón phân đầu đủ, cân đối, đặc biệt bón đủ đạm và Kali, không bón phân rải rác. Đối với diện tích phải sạ lại và diện tích chưa xuống giống, nước rút đến đâu tranh thủ chuẩn bị đất để sạ ngay đến đó và chỉ sử dụng các giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày. Thời gian gieo sạ tập trung từ tháng 1/2017 và kết thúc từ ngày 10 - 15/1/2017 để đảm bảo thu hoạch trước 30/4/2017.

Đối với diện tích rau, hoa, các địa phương cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm để phòng trừ bệnh chết cây con. Đối với diện tích rau phải trồng lại, sau khi lũ rút cần khẩn trương gieo trồng càng sớm càng tốt để cung cấp nguồn rau trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Các địa phương nên tập trung sử dụng nhóm giống rau ăn lá và rau gia vị có thời gian thu hoạch khoảng 30 ngày, nhóm giống rau ăn quả có thời gian thu hoạch khoảng 45 ngày để trồng. 

Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp khẩn trương đào mương thoát nước trong vườn, vun gốc để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để sớm phục hồi vườn cây. Trong lĩnh vực chăn nuôi, phòng dịch là khâu quan trọng nhất, các tỉnh cần ưu tiên thực hiện để phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, các tỉnh cần định hướng cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu con vật nuôi phù hợp và có chính sách hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi.

C ục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Văn Phú Chính cho rằng, các địa phương cần khẩn trương nạo vét kênh mương để kịp thời tiêu thoát và tưới nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Đồng thời, lưu ý các địa phương phải sử dụng nước tiết kiệm, phù hợp để giành nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2017.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá cao các địa phương đã chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ và đang khẩn trương triển khai sản xuất vụ Đông Xuân. Trung ương sẽ cung cấp nhanh nguồn giống cây từ kho dự trữ quốc gia, địa phương nào có nhu cầu hỗ trợ giống bằng tiền sẽ được giải quyết sớm nhất với mục tiêu không để tỉnh, thành nào bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua thiếu giống sản xuất.

Hiện nay, Cục Trồng trọt đã làm việc với các công ty sản xuất giống cây trồng và có danh sách gửi tới các địa phương để liên hệ cung cấp. Tuy nhiên, các địa phương cần phải đặc biệt chú ý đến chủng loại, chất lượng cây giống. Bên cạnh đó, theo dự báo trong những ngày tới khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục có một đợt mưa lớn vì vậy các tỉnh cần chủ động thông báo cho người dân có thể lùi lại thời gian gieo sạ để tránh gây thiệt hại có thể xảy ra. Ngoài ra, đối với vấn đề chăn nuôi, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc khử trùng trước khi tái đàn trở lại.


Đỗ Trưởng (TTXVN)
 Hỗ trợ Bình Định khắc phục hậu quả mưa lũ
Hỗ trợ Bình Định khắc phục hậu quả mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân tỉnh Bình Định ổn định lại đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN