Tăng lương tối thiểu vùng: Mới đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 (áp dụng cho khối doanh nghiệp) là tăng bình quân 7,3%.

Quang cảnh họp báo


Chọn phương án phù hợp


Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: “Dựa trên mức đề xuất của các bên, bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra 4 phương án. Mức tăng LTT năm 2017 căn cứ trên nhiều tác động từ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ trượt giá, năng suất lao động... Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu chốt phương án tăng 7,3%. Mức tăng này mới đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu”.


Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, với mức tăng 7,3% LTT, bình quân chi phí doanh nghiệp sẽ tăng thêm 0,31%; còn với doanh nghiệp dệt may sẽ tăng 2%. “Theo khảo sát sơ bộ, mức tăng LTT sẽ tác động lớn đến lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, thủy sản. Qua tiếp đối thoại với doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp dệt may trong 6 tháng cuối năm gặp khó khăn do giảm đơn hàng, còn lĩnh vực thủy sản gặp thiên tai thời tiết”, ông Phạm Minh Huân chia sẻ.


Trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, mức tăng đề xuất Tổng LĐLĐ đưa ra là 250.00 – 400.000 đồng tùy vùng, so với mức tăng tuyệt đối thì tương đương năm trước, tính theo tỷ lệ là tăng 11,1%. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Tổng LĐLĐ chấp nhận phương án tăng 7,3%. Tuy nhiên, với mức tăng này, Tổng LĐLĐ sẽ chịu nhiều sức ép từ phía người lao động do đời sống còn khó khăn.


Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ, có tới 75,5% lao động phải làm thêm giờ mới có đủ thu nhập đủ sống, tại vùng 1 có tới 86,6% phải làm thêm giờ mới đủ sống. Do đó, mức tăng 7,3% sẽ chưa đảm bảo lộ trình tăng LTT. “Tuy nhiên, phía Tổng LĐLĐ căn cứ trên tình hình thực tế doanh nghiệp để điều chỉnh mức tăng phù hợp”.


Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) cho rằng, mức tăng LTT 7,3% là nỗ lực của chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Ban đầu, VCCI đề xuất mức tăng 4-5%, bù đắp tăng CPI. Tuy nhiên, mức tăng LTT sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tại phiên đàm phán, đại diện doanh nghiệp dệt may đề xuất không tăng LTT tác động lớn đến chi phí đầu vào, giảm cạnh tranh.


“Căn cứ vào tổng thể sức cạnh tranh của doanh nghiệp và để giữ chân người lao động trong xu thế hội nhập, việc tăng LTT góp phần cải thiện đời sống người lao động. Đồng thời, việc tăng LTT cũng là áp lực để doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động...”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.


Tránh điệp khúc “Tăng lương – tăng giá”


Trước lo ngại tình trạng điệp khúc “tăng lương – tăng giá” theo kiểu té nước theo mưa, ông Phạm Minh Huân khẳng định lượng hàng hóa trên thị trường không thiếu, quan trọng là cách điều hành của các bộ ngành, địa phương không để tăng lương kéo theo tăng giá. “Trước khi họp tăng LTT vùng 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khảo sát thực tế đời sống công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Chứng kiến đời sống công nhân phải thuê trong nhà trọ chật hẹp 10m2, giá thuê khá đắt 600.000 – 700.000 đồng/tháng, tiền điện dùng với giá kinh doanh... khiến tôi rất trăn trở. Do đó, cùng với tăng LTT, các bộ ngành, địa phương vận hành các chính sách về xây dựng khu nhà ở cho công nhân, khu vui chơi giải trí... để nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho công nhân”.


Ông Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, theo Luật Lao động, việc tăng LTT đảm bảo nhu cầu sống tiểu thiểu. Tuy nhiên, nhu cầu đời sống tối thiểu sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Còn mức lương sẽ thay đổi dựa trên năng suất, đàm phán thương lượng tập thể. Do đó, trong năm tới, Bộ LĐTBXH đã đề xuất sửa Luật Lao động theo hướng có Luật riêng về tiền lương tối thiểu hoặc quy định chi tiết hơn trong Luật Lao động sửa đổi. Có như vậy sẽ hài hòa hơn lương tối thiểu với nhu cầu sống tối thiểu, năng suất lao động, đồng thời cũng phù hợp với xu thế hội nhập.


Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Mai Đức Chính cho biết: Thực tế qua kiểm tra việc tăng LTT vùng năm 2015- 2016 cho thấy có hiện tượng doanh nghiệp cắt các khoản trợ cấp, bổ sung để bù đắp việc tăng LTT. Do đó, để ngăn chặn hiện tượng này, trong Nghị định về tăng LTT vùng năm 2017 sẽ có quy định không cắt giảm các khoản trợ cấp, bổ sung khác để tăng LTT. Tổng LĐLĐ sẽ phối hợp các Bộ ngành thanh kiểm tra việc tăng LTT theo đúng quy định.


Bảng tăng lương tối vùng năm 2017:

Vùng

Năm 2016

Phương án năm 2017

Mức lương tối thiểu

Tăng so với năm 2016

Vùng 1

3.500.000

3.750.000

250.000

Vùng 2

3.100.000

3.320.000

220.000

Vùng 3

2.700.000

2.900.000

200.000

Vùng 4

2.400.000

2.580.000

180.000


Xuân Cường
Chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%
Chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%

Ngày 2/8, tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp bàn lần 2 về phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 (áp dụng cho khối doanh nghiệp).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN