Thông tin 14 bệnh viện tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép khiến dư luận rất phấn khởi. Tuy nhiên, người dân cũng không khỏi băn khoăn về tính khả thi của cam kết cũng như lo ngại quyền lợi khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề này.
Quá tải bệnh viện (BV), người bệnh phải nằm ghép, nhất là tại các BV tuyến Trung ương luôn là bài toán làm đau đầu ngành y tế từ hàng chục năm nay. Thế nhưng nay, 14 BV tuyến Trung ương lại khẳng định sẽ không để bệnh nhân nằm ghép ngay từ đầu năm 2015, liệu cam kết này có khả thi không, thưa ông?
Ngành y tế đang nỗ lực để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 92/QĐ - TTg ngày 9/1/2013 về việc phê duyệt Đề án Giảm quá tải BV: Năm 2015 ngành y tế phải cơ bản giải quyết tình trạng nằm ghép trong BV, tiến tới giải quyết hoàn toàn tình trạng nằm ghép vào năm 2020.
Với chủ trương không để xảy ra tình trạng nằm ghép, nhiều BV đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm như: BV Nhi TW, BV Răng hàm mặt TW, BV Hữu nghị Việt Đức… Kết quả giảm nằm ghép tại các BV và qua đánh giá, theo dõi hàng tuần của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đối với các bệnh viện này đã khẳng định tính khả thi của chủ trương này.
Cần lưu ý rằng, việc ký cam kết là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng thực tế của BV, không phải Bộ Y tế bắt buộc các BV ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Trước đó, các BV đều đã bàn bạc lỹ lưỡng trong ban giám đốc, đảng ủy và toàn thể công nhân viên chức để khẳng định quyết tâm giảm tải. Hiện tại, đã có 14 BV Trung ương ký cam kết và cơ bản thực hiện được chủ trương không để người bệnh nằm ghép với thời gian sau 24 giờ - 48 giờ nhập viện.
Đã có trường hợp vì muốn nhanh chóng giảm tải ở khoa trọng điểm mà một BV lớn đã tăng số lượng ca mổ/ngày, do bệnh nhân chuyển khoa vội vã nên gia tăng biến chứng… Để tránh nguy cơ gia tăng sai sót y tế tương tự và tình trạng người bệnh phải ra viện sớm, Bộ Y tế sẽ có giải pháp gì, thưa ông?Các BV đều có tiêu chuẩn nhập viện cũng như ra viện, do đó không thể nói bệnh nhân có nguy cơ phải ra viện “hơi non” khi các BV thực hiện cam kết này. Trong bất kỳ tình huống nào, chỉ khi sức khỏe bệnh nhân được bảo đảm thì bác sỹ mới cho bệnh nhân ra viện, đây chính là trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc.
Bác sỹ là người có đủ năng lực để tiên lượng về tình trạng của người bệnh để quyết định người bệnh có thể điều trị ngoại trú thay vì điều trị nội trú. Trong trường hợp cần tiếp tục điều trị, theo dõi nhưng không cần thiết điều trị tại tuyến Trung ương, bác sỹ có thể chuyển người bệnh về BV tuyến dưới để tiếp tục theo dõi, điều trị theo phác đồ của tuyến trên.
Mô hình này đã rất thành công ở một số bệnh viện như BV Chợ Rẫy. Người bệnh cũng nên thông cảm và chia sẻ với ngành y tế và chấp nhận hình thức chuyển tuyến về tuyến dưới điều trị; đây cũng chính là sự chia sẻ với người bệnh nặng khác để họ có cơ hội điều trị tại các BV tuyến trên.
Để hạn chế bệnh nhân nằm ghép, BV phải sắp xếp lại, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý về chuyên môn như xây dựng các hướng dẫn về tiêu chuẩn nhập viện, tiêu chuẩn xuất viện, hạn chế tối đa những tình huống nhập viện khi bệnh lý có thể cho phép điều trị ngoại trú; các khoa phải liên kết với nhau để nâng cao hiệu quả điều trị và điều phối bệnh nhân hợp lý...
Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều quy chế chuyên môn và hướng dẫn điều trị. Việc tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, sai sót y khoa có rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể nói hạn chế nằm ghép sẽ làm tăng nguy cơ sai sót y khoa và nhiễm khuẩn BV.
Ngoài việc chấm điểm theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV thì hoạt động giám sát thực hiện quy trình chuyên môn sẽ được đẩy mạnh như thế nào tại các BV đã ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thưa ông?
Thời gian tới, Cục quản lý Khám, chữa bệnh sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hoạt động giảm quá tải và căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá các chỉ số để chấm điểm các BV. Mặt khác, hệ thống đường dây nóng sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp người dân trực tiếp giám sát tình trạng quá tải cũng như hoạt động chuyên môn, thái độ ứng xử của các nhân viên y tế với người bệnh.
Trong bất kỳ thời điểm nào, nếu nhận thấy cán bộ BV không thực hiện đúng những cam kết với Bộ Y tế, người dân đều có thể sử dụng đường dây nóng để phản ánh đến Giám đốc BV; trường hợp Giám đốc BV không giải quyết được thì có thể gọi trực tiếp về Bộ Y tế. Hiện nay, hệ thống đường dây nóng hoạt động rất hiệu quả, đã tiếp nhận rất nhiều những thông tin phản ánh từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về chất lượng khám, chữa bệnh, về công tác chuyện môn, tinh thần độ của thầy thuốc…
Bộ Y tế sẽ triển khai và đánh giá sau 6 tháng tổ chức thực hiện chủ trương này để rút kinh nghiệm cũng như có những điều chỉnh nếu cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài và ảnh: Lê Hoàng