Đến ngày 30/1,bằng nhiều biện pháp khác nhau như phối hợp luân chuyển bệnh nhân giữa các khoa, kê và đưa giường bệnh mới vào sử dụng…, tại hầu hết các BV ký cam kết (14 BV, thêm BV Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh) đã không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Dẫu vậy, dư luận vẫn rất nghi ngại trước thông tin các BV quá tải trầm trọng bỗng dưng sẽ chấm dứt được tình trạng nằm ghép hiệu quả chỉ sau 1 chủ trương của ngành Y. Quyền lợi của bệnh nhân có được bảo đảm?Đại diện Bộ Y tế kiểm tra việc thực hiện cam kết không nằm ghép tại BV Nhi Trung ương vào chiều 30/1. Ảnh: Lê Hoàng |
Chiều 30/1, theo chân đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi thị sát tại BV Nhi Trung ương về việc thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, chúng tôi không còn bắt gặp cảnh bệnh nhi phải nằm chen chúc 3 - 4 người/giường bệnh như những lần đi thực tế trước đây. Tại khoa Truyền nhiễm, nơi vẫn thường ở trong tình trạng quá tải trầm trọng thì nay tình trạng nằm ghép đã không còn, mỗi bệnh nhi đều được “sở hữu” một giường bệnh, thân nhân các cháu đều cảm thấy rất thoải mái khi được BV tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều trị cho con trẻ.
Theo đại diện BV Nhi Trung ương, Ban lãnh đạo BV rất hiểu những băn khoăn của người bệnh sau khi đón nhận thông tin các BV tuyến Trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ không được điều trị chu đáo, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. “Với chúng tôi, sự an toàn của người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, sẽ không có chuyện làm sai nguyên tắc nghề nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”,TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, khẳng định.
Hiện, BV Nhi Trung ương có 1.510 giường nhưng lúc nào cũng “ngấp nghé” 1.500 bệnh nhân nội trú, trong đó, khoảng 400 - 500 ca nặng phải thở máy; đó là chưa kể mỗi ngày, còn tới 2.500 - 3.000 bệnh nhân tới khám… Để thực hiện cam kết không nằm ghép, BV đã thực hiện giao ban hàng ngày, nắm thông tin bệnh nhân hàng giờ để có thể điều chuyển bệnh nhân từ khoa đông sang khoa vắng. “Chỉ cần lơi là một chút là có khoa lại ùn tắc bệnh nhân ngay. Nhiều cán bộ mệt quá cũng thấy phiền phức với cam kết không nằm ghép vì BV luôn quá tải. Do đó, chúng tôi phải kiên trì giám sát mọi hoạt động”, BS Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Nhi Trung ương chia sẻ.
Rời BV Nhi Trung ương, chúng tôi đến BV Hữu nghị Việt - Đức, một BV luôn ở trong tình trạng quá tải vì đây là cơ sở điều trị ngoại khoa hàng đầu của cả nước. Tại đây, tình trạng nằm ghép cũng đã được giải quyết đúng như cam kết; tuy nhiên, một số bệnh nhân đang phải nằm điều trị bên ngoài hành lang. Một điều dưỡng của BV chia sẻ: “Số lượng bệnh nhân ngày càng đông mà số giường bệnh lại không đủ. BV lại đang thực hiện nghiêm ngặt cam kết không để bệnh nhân nằm ghép giường nên chúng tôi phải bố trí kê giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, nhiều người bệnh và thân nhân của họ tỏ ra rất phấn khởi khi đón nhận thông tin tới đây không chỉ 14 BV mà còn nhiều BV khác sẽ cam kết thực hiện không để bệnh nhân phải nằm ghép. Tuy nhiên, họ cũng rất băn khoăn vì nếu thực hiện triệt để cam kết này có thể nhiều bệnh nhân bị hạn chế khám bệnh hoặc buộc phải xuất viện sớm. Bên cạnh đó, việc kê thêm giường bệnh trong khi cơ sở vật chất, nhân lực có hạn dễ khiến cán bộ thêm áp lực, gia tăng sai sót y tế, nhiễm khuẩn BV, ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều trị…
Liệu có hệ lụy từ cam kết “nóng”Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, đến ngày 29/1, 8/14 BV trước đây bệnh nhân vốn không nằm ghép vẫn tiếp tục duy trì mỗi người bệnh/giường; 6/14 BV xảy ra tình trạng quá tải trước khi ký kết thì nay không còn khoa, phòng nào có người bệnh phải nằm ghép. Riêng BV đa khoa Trung ương Huế, số khoa có người bệnh nằm ghép đang bắt đầu giảm từ 14 khoa xuống còn 12 khoa; đảm bảo sau 27/2, BV này sẽ thực hiện đúng như cam kết đã ký.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hàng tuần về số lượng bệnh nhân ở mỗi khoa, phòng, nhằm chủ động theo dõi, giám sát và có sự điều phối kịp thời. Sắp tới, chúng tôi sẽ đăng tải thông tin này trên website của Cục và thông báo cho các bệnh viện tuyến tỉnh biết về thực trạng của bệnh viện tuyến trên, để họ có sự cân nhắc phù hợp trước khi đưa ra quyết định chuyển tuyến cho bệnh nhân”.
Như vậy, về cơ bản, 14 BV đều đã thực hiện đúng cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép như đã ký với Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành y còn rất nhiều việc phải làm để chủ trương không nằm ghép tại BV tuyến Trung ương không chạy theo bệnh thành tích.
Một BS tại TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng ý là giải quyết việc nằm ghép là khâu đột phá của việc chống quá tải. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã có đủ kế hoạch tiềm lực và sự chuẩn bị để giảm thương vong cho khâu đột phá này chưa? Hay chúng ta đã thật sự có đủ quy trình đánh giá chuyên môn để quyết định nhập viện và xuất viện đúng thời điểm, không nguy hiểm cho bệnh nhân chưa? Để giải bài toán quá tải, phải giải quyết vấn đề từ gốc, phải có triết lí phục vụ thích hợp, từng bước chuyển đổi hệ thống, tách biệt giữa phục vụ và cung cấp dịch vụ y tế, xây dựng một hệ thống, bao gồm nhân lực, vật lực, khả năng quản lí, đủ sức đáp ứng với nhu cầu cầu. "Dục tốc bất đạt", sẽ có rất nhiều hệ lụy từ những cam kết "nóng" này và những hệ lụy sẽ bắt chính những người bệnh mà ngành y đang mong muốn cho họ được hưởng lợi lại phải gánh chịu những thiệt thòi.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhấn mạnh: “Vì quy mô của bệnh tật mà nước ta đang đối phó rất lớn nên không thể kỳ vọng rằng xây thêm BV hay triển khai bất kỳ một cam kết “nóng” nào mà có thể giải quyết được tận gốc vấn đề quá tải BV. Vấn đề cấp thiết hiện nay là ngành y cần phải xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng vững mạnh để làm thật tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nếu không dự phòng tốt, cứ đề tình trạng “đầu vào”, tức người mắc bệnh ngày một tăng như hiện nay thì dù có đầu tư bao nhiêu cho các BV tuyến TƯ cũng vẫn quá tải vì người bệnh luôn muốn điều trị ở những cơ sở y tế có thương hiệu”.
Nhóm phóng viên