Tăng cường giám sát suất ăn học đường

Trước diễn biến phức tạp về ngộ độc thực phẩm tại một số trường học trong cả nước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu ngành Giáo dục và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Chú thích ảnh
Quy trình chế biến suất ăn học đường theo quy chuẩn bếp ăn 1 chiều tại Công ty Cổ phần Thương mại Vinacomin, Chi nhánh Vân Long, thành phố Cẩm Phả. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, chế biến, bảo quản; quy trình việc giao và lưu mẫu thức ăn... UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn điện về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đơn vị của mình.

Tại thành phố Cẩm Phả, sau sự việc 6 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cẩm Sơn 2 (phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả) nhập viện sau bữa ăn trưa 30/11, mặc dù kết quả kiểm tra sức khỏe của bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả cho thấy không có kết luận liên quan đến vấn đề thực phẩm, các em học sinh đã ổn định sức khỏe, tham gia học tập, ăn bán trú tại trường bình thường trở lại, nhưng công tác giám sát suất ăn học đường trên toàn thành phố đã được tăng cường, siết chặt.

Bà Lê Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cẩm Phả cho biết, qua sự việc học sinh nhập viện, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu nhà trường tăng cường, huy động sự giám sát của cha mẹ học sinh trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh; yêu cầu với đơn vị cung ứng suất ăn cho nhà trường thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo các suất ăn đủ dinh dưỡng, ấm nóng… Nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để có biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho học sinh phòng, chống dịch bệnh…

Trước sự việc trên, ngày 2/12, UBND thành phố Cẩm Phả đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn bán trú trên địa bàn, bắt đầu thực hiện từ ngày 5/12/2022, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Đơn vị cung ứng giao thức ăn đến các cơ sở trường học của thành phố Cẩm Phả.

Hiện Quảng Ninh có 645 trường học từ cấp học mầm non đến Trung học Phổ thông, trong đó 341 trường có bếp ăn tập thể. Ngoài bếp ăn do các trường tự tổ chức, một số trường thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh theo hình thức đặt suất nấu tại những cơ sở có chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Vinacomin, Chi nhánh Vân Long, đơn vị cung cấp suất ăn cho 7 trường tiểu học tại thành phố Cẩm Phả cho biết: Trong quá trình cung cấp suất ăn, đơn vị đáp ứng đầy đủ các quy định, hàng tuần đều xây dựng thực đơn gửi đến các đơn vị trước 1 tuần để nếu có ý kiến sẽ kịp thời điều chỉnh.

Theo ông Hiếu, bên cạnh trách nhiệm của đơn vị cung cấp suất ăn và nhà trường, các hội phụ huynh cần trực tiếp giám sát ở cơ sở sản xuất chế biến thức ăn, từ khâu thực phẩm đầu vào, khâu chế biến và chia suất cơm cho các con. Phụ huynh có thể ghi nhận bằng hình ảnh, biên bản; có thể nếm thử đồ ăn để đảm bảo an toàn trước khi đưa suất ăn tới trường cho học sinh.

Cùng với việc tăng cường vai trò giám sát, nhiều phụ huynh tại thành phố Cẩm Phả cho rằng cần cải thiện dinh dưỡng và bữa ăn đảm bảo an toàn cho trẻ bằng cách nâng mức đóng tiền ăn/suất của học sinh. Hiện nay, theo Quyết định 5336, ngày 29/11/2022 của UBND thành phố Cẩm Phả, mỗi suất ăn của học sinh bán trú đang thu ở mức từ 23 đến hơn 25 ngàn đồng.

Ông Phạm Minh Quân, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cẩm Sơn góp ý, hiện nay mỗi suất ăn ở trường con anh đang có mức 22.000 đồng/suất. Tuy nhiên, mức 22.000 đồng này không phải dùng hết vào mua thực phẩm. Khi thuê đơn vị nấu ăn, phía nhà cung cấp phải đóng phí, thuế và các chi phí phục vụ, vận chuyển... sau khi trừ các chi phí còn lại hơn 16.000 đồng. Anh Quân lo ngại, số tiền này liệu có đủ mua thức ăn đủ dinh dưỡng khi tất cả các chi phí khác đều tăng, trượt giá.

Anh Quân kiến nghị nên xem xét tăng mức đóng suất ăn và thực đơn dinh dưỡng. Bên cạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng, nhiều cơ sở giáo dục cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát và nghiệm thu bữa ăn học sinh từ chính các phụ huynh.

Bà Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, thành phố Cẩm Phả chia sẻ, khi học sinh ăn bán trú thì trách nhiệm nhà trường rất lớn. Việc phụ huynh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn học sinh sẽ chia sẻ trách nhiệm với nhà trường trong việc đảm bảo bữa ăn cho học sinh. Do đó, bà Thủy đề xuất nhà trường và phụ huynh tăng cường khâu giám sát nhập thực phẩm, chế biến suất ăn của nhà trường hoặc đơn vị được thuê chế biến suất ăn.

"Riêng nhà trường, chúng tôi đề nghị các bậc phụ huynh ở các lớp tới giám sát và thực đơn hàng ngày được công khai rõ ràng, chuyển tới các bậc phụ huynh qua zalo. Ngoài việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc kiểm tra thường xuyên và tăng cường giám sát, nhất là vai trò của các phụ huynh ở các bếp ăn bán trú là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra", bà Đinh Thị Thủy nhận định.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
40 học sinh nhập viện sau bữa tối, nghi ngộ độc thực phẩm 
40 học sinh nhập viện sau bữa tối, nghi ngộ độc thực phẩm 

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 7/12, bệnh viện đã tiếp nhập, cấp cứu cho 40 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm, với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN