Ngày
19/2, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, tiếp tục
thực hiện lộ trình chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm
việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu tạm
dừng có thời hạn cung ứng lao động và xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động
Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) của 15 công ty Việt Nam
và 11 công ty môi giới Đài Loan
(Trung Quốc) do vi phạm về thu phí của người lao động như: giữ lương và
khấu trừ tiền ăn, ở từ lương của người lao động.
Cục
Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn yêu cầu các công ty bị tạm
dừng không triển khai việc hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc
tại Đài Loan và không tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo lao động để
đưa sang làm việc tại Đài Loan trong thời gian bị tạm dừng để rà soát,
chấn chỉnh.
Trong năm 2013, Việt Nam đã đưa hơn 46.000 lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc (chiếm khoảng 50% lực lượng đi xuất khẩu lao động tại ngoài nước). Tuy
nhiên, theo phản ánh, lao động Việt Nam đi làm việc ở tại Đài Loan bị thu phí cao hơn quy định.
Theo quy định, tổng chi phí
lao động đi làm việc tại Đài Loan được chia làm hai mức. Cụ thể đối với
công nhân nhà máy, xây dựng là: 3300 USD/người/hợp đồng 2 năm và lao
động làm việc trong lĩnh vực gia đình, chăm sóc sức khoẻ là: 2700
USD/người/hợp đồng 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, mức phí của người
lao động Việt Nam đứng ở mức cao nhất: khoảng 5600 USD đối với
lao động nhà máy. Ngoài ra, có một số lao động bị thu mức cao hơn
khoảng 6500-7000 USD/người do có thu nhập và phúc lợi của nhà máy tốt.
Thực tế này đã tác động không nhỏ đến tỷ lệ người lao động Việt Nam bỏ
trốn tại Đài Loan hiện nay cũng như đã khiến một số lao động Việt Nam
phải về nước trước hạn gặp nhiều khó khăn do thu nhập chưa bù đắp được
chi phí trước khi đi.
Trước đó, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Bộ
LĐTBXH năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ
LĐTBXH sớm chấn chỉnh hiện tượng này.
Xuân Cường