Giảm số người tử vong
Kết quả rõ rệt nhất là tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người tử vong. Trong đó, về số vụ, giảm 1.285 vụ (5,5%), giảm 1.922 người tử vong (14,18%).
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam, năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 11.628 người, bị thương 15.292 người. Trong số này, đường bộ xảy ra 21.880 vụ, làm tử vong 11.498 người, bị thương 15.255 người, giảm 1.292 vụ (5,58%), giảm 1.891 người tử vong (14,12%), tăng 657 người bị thương (4,5%) so với năm 2022.
Đường sắt xảy ra 124 vụ, làm tử vong 97 người, bị thương 27 người. Tuy số vụ không thay đổi so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 3 người tử vong (3,19%), giảm 1 người bị thương (3,57%).
Đường thủy xảy ra 57 vụ, làm tử vong 31 người, bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 08 vụ (16,33%), giảm 24 người tử vong (43,64%), tăng 4 người bị thương (66,67%).
Hàng hải xảy ra 6 vụ, làm tử vong 2 người và không có người bị thương, giảm 1 vụ (14,29%), giảm 10 người tử vong và mất tích (83,33%), số người bị thương không thay đổi so với cùng kỳ năm trước
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2023, trong số 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người tử vong do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, có 11 địa phương giảm trên 20% số người tử vong là: Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên, trong đó đặc biệt Thừa Thiên - Huế giảm trên 30% số người tử vong do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, 28 địa phương vẫn có số người tử vong do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 địa phương tăng trên 30% là Hưng Yên, Lạng Sơn, Kon Tum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh. Đáng chú ý, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh có số người tử vong tăng trên 80% trở lên.
Trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, làm tử vong 118 người, bị thương 77 người. Trong đó, Quảng Nam 4 vụ; Gia Lai 3 vụ; Hà Nội 3 vụ; Hòa Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lào Cai, Nghệ An, Sóc Trăng mỗi địa phương 2 vụ... Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng là do đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường (chiếm tới 23,53%); không chấp hành quy định về tốc độ (14,71%); không chú ý quan sát (11,76%), chuyển hướng không đúng quy định (5,88%); sử dụng rượu, bia (8,82%).
Vi phạm nồng độ cồn là một trong những hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Ngoài các địa phương tổ chức ra quân, xử lý quyết liệt, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với một số Cục nghiệp vụ xây dựng kế hoạch thành lập 6 Tổ công tác trực tiếp thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng vũ trang, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ Lễ, Tết.
Trong tổng số hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông bị xử lý trong năm qua, có trên 770,67 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trên đường bộ có 770,37 nghìn trường hợp, đường sắt có 154 trường hợp, đường thủy có 151 trường hợp), 2.935 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, ngày 13/12/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố Báo cáo An toàn giao thông Đường bộ toàn cầu 2023, trong đó tổng kết những thành tựu chính của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ nhất (2011-2020); công bố số liệu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2021; những thay đổi về thể chế, chính sách về an toàn giao thông của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; dữ liệu cơ sở để so sánh, kiểm chứng và đánh giá kết quả cho của Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ hai (2011-2020).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan thường trực về an toàn giao thông của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011 - 2020. Theo tính toán của WHO, số người tử vong của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Điều đó cho thấy những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam sau 10 năm thực hiện các giải pháp hưởng ứng Thập kỷ vì an toàn đường bộ toàn cầu (2011-2020). Những kết quả Việt Nam đạt được trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nói riêng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung giai đoạn 2010 - 2020 có được từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Chống người thi hành công vụ gia tăng
Nhìn lại tình hình trật tự an toàn giao thông năm qua, mặc dù tai nạn giao thông có chiều hướng giảm nhưng tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ.
Cả nước đã xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ, làm 1 đồng chí hy sinh, 44 đồng chí bị thương. Trong đó, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa mỗi địa phương xảy ra 5 vụ; Bình Phước, Hưng Yên, Sơn La mỗi địa phương xảy ra 4 vụ; Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc mỗi địa phương xảy ra 3 vụ. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ tăng 53 vụ (203,85%). Lực lượng chức năng đã bắt giữ 79 đối tượng, xử lý hình sự 36 vụ, xử lý hành chính 2 vụ, hiện đang tiếp tục điều tra 41 vụ.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự công cộng và đua xe trái phép tại một số địa phương diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương tiện độ chế tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Công an, lực lượng chức năng đã phát hiện 142 vụ với 2.140 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 1.682 phương tiện. Đã xử lý hình sự 35 vụ với 210 đối tượng, gồm 1 vụ tổ chức đua xe trái phép (tại Hòa Bình) với 2 đối tượng; 34 vụ gây rối trật tự công cộng với 208 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 27 vụ (23,48%). Gây rối trật tự công cộng xảy ra nhiều nhất tại Hà Nội (9 vụ, 60 đối tượng), Thành phố Hồ Chí Minh (với 3 vụ, 41 đối tượng), Bắc Giang (3 vụ, 9 đối tượng), ; Tiền Giang (3 vụ, 21 đối tượng).