Theo quan sát của phóng viên TTXVN, tại khu vực nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt (thuộc địa bàn xã Xuân Trường, cách trung tâm thành phố hơn 20km), rác chưa xử lý tồn đọng, chất cao như núi trong bãi tập kết; dòng nước trong hệ thống mương nước xung quanh nhà máy đen ngòm, bốc hôi thối. Theo một số người dân sống quanh nhà máy, khi mưa lớn, nước thải này chảy xuống khu vực lân cận, vào vườn của người dân và cả những con suối gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Trương Diên Hà, xã Xuân Trường, bức xúc: "Việc tồn đọng rác chưa xử lý không những ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt mà còn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con. Nguyên nhân là nước thải từ nhà máy chảy ra các con suối khiến nguồn nước tưới của bà con bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều diện tích cây cối và hoa màu bị nhiễm bệnh hoặc chết khô do tưới nguồn nước bẩn."
Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư với kinh phí gần 400 tỉ đồng. Theo thiết kế, nhà máy có hai dây chuyền xử lý rác và lò đốt hiện đại có công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày. Từ tháng 7/2015, nhà máy đi vào hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 180 tấn rác sinh hoạt; vào dịp lễ, Tết và mùa du lịch hè lượng rác lên tới hơn 200 tấn/ngày.
Công nhân nhà máy rác Đà Lạt phân loại rác thải trước khi đưa vào băng chuyền xử lý.
|
Hiện nay, lượng rác chưa được xử lý của nhà máy đã lên hơn 2.000 ngàn tấn; ngoài ra còn số rác đã qua xử lý đang được chất đầy trong nhà xưởng và bên ngoài bãi tập kết.
Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh Trần Uyên Diễn giải thích, lượng rác lớn đang ứ đọng và chưa được xử lý là do từ cuối tháng 4/2016, nguồn điện cung cấp cho nhà máy liên tục bị cắt (khoảng 3 ngày/ tuần). Do đó, trong các ngày bị cắt điện, nhà máy chỉ hoạt động vào buổi tối khiến công suất xử lý rác giảm (chỉ còn khoảng 80 tấn rác/ngày).
Ngoài yếu tố khách quan, việc rác tồn đọng cũng xuất phát từ nguyên nhân nhà máy hoạt động còn khó khăn, đặc biệt là bị thua lỗ trong quá trình vận hành do mức giá hỗ trợ xử lý rác quá thấp. Hiện mức giá hỗ trợ xử lý rác của tỉnh Lâm Đồng cho nhà máy chỉ với 129.500 đồng/tấn rác, trong khi chi phí thực tế khoảng 418.000 đồng/tấn rác.
Theo ông Trần Uyên Diễn, do mức hỗ trợ quá thấp nên nhà máy càng vận hành thì công ty càng thua lỗ, hiện phải bù lỗ khoảng 1 tỉ đồng/tháng. Mặc dù vậy, đã nhiều lần nhà máy kiến nghị chính quyền địa phương điều chỉnh mức hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Thời gian qua, nhiều đoàn lãnh đạo và cơ quan chuyên môn tỉnh Lâm Đồng đã đến khảo sát thực tế, đánh giá và có kiến nghị hỗ trợ cho nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Mới đây nhất, đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các ban, ngành liên quan đã đến kiểm tra thực tế khu vực nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt để tìm hướng giải quyết những bất cấp trong hoạt động xử lý rác. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo Công ty Điện lực Lâm Đồng duy trì cung cấp điện để nhà máy hoạt động ổn định. Cùng với đó, trên cơ sở phương án giá xử lý rác thải do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh xây dựng, các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định và dự kiến nguồn kinh phí, trình UBND tỉnh xem xét trong tháng 7/2016.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh khẩn trương đầu tư thêm một dây chuyền xử lý rác mới; đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị, hạng mục còn thiếu để hệ thống xử lý rác hoạt động đồng bộ, liên tục, nhằm xử lý hết khối lượng rác còn tồn đọng và đảm bảo nhà máy hoạt động theo đúng thiết kế, tránh việc gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.