Sóc Trăng: Cảnh báo tình trạng bất chấp nguy hiểm khi qua sông

Gần một tháng nay, bến phà đưa khách qua sông tuyến Trà Ếch (thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) – Đường Đức (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) ngừng hoạt động. Để không phải đi đường vòng, nhiều người dân, thậm chí trẻ em và phụ nữ có thai vẫn được người nhà sử dụng xuồng đưa qua sông bất chấp nguy hiểm.

Khi còn hoạt động, những chuyến phà đưa người, hàng hóa qua sông tuyến Trà Ếch – Đường Đức khoảng 20 phút/chuyến. Hiện nay, tuyến phà không hoạt động, người dân bên tỉnh Sóc Trăng muốn đi qua Trà Vinh phải chạy ngược về hướng Nam theo đường Nam Sông Hậu, tính từ bến phà Trà Ếch khoảng hơn 10km để đi phà Đại Ngãi qua huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Từ huyện Cù Lao Dung, người dân di chuyển qua phà Cầu Quan để về huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ước thời gian khoảng 2 tiếng để hoàn thành chặng đường.

Ngược lại, từ bến phà Trà Ếch, người dân phải đi về hướng Bắc theo tuyến Nam Sông Hậu đến phà Hòa Tân, cách khoảng 7km để qua Trà Vinh. Tuy nhiên, hai phương án này rất ít người dân lựa chọn. Vợ chồng anh Phạm Quốc Toàn, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, mỗi tháng qua lại hai tỉnh khoảng 3 – 4 lần để thăm gia đình bên ngoại. Tháng này là tháng mưa gió, không có phà lớn, hai vợ chồng chấp nhận đi xuồng vì ngại chạy đường xa.

“Giá cả tăng gấp đôi còn nguy hiểm gấp một trăm, một ngàn lần. Vợ mang bầu, đi xa bất tiện. Kẹt phương tiện, mình phải đi. Chờ sông lặng thì đi”, anh Toàn cho biết.

Cùng chồng và con trai nhỏ đi trên xuồng từ Trà Vinh qua, chị Hồ Thúy Hằng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Các đợt trước đi phà lớn, giờ đi xuồng thấy lo vì có cả con nhỏ đi cùng. Giá hơi cao, độ an toàn không bằng”.

Theo ông Trần Hồng Sông, người sinh sống hơn 40 năm ở bến Trà Ếch cho biết, tuyến phà này hoạt động đã 10 năm nay. Mỗi ngày vận chuyển hàng trăm lượt khách đi lại giữa hai tỉnh. Nay do tranh chấp giữa các hộ kinh doanh, tuyến phà ngưng hoạt động từ ngày 9/5/2017.

Việc ngừng hoạt động tuyến phà Trà Ếch – Đường Đức đã ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân hai tỉnh. Theo anh Phan Văn Phương, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng: “Giờ đi tuyến Đại Ngãi, vòng vòng mất cả ngày công, còn đi tuyến Hòa Tân, phà Hòa Tân nhỏ, nay dồn qua đó, phà chất đầy khách mới chạy, cũng sợ. Chúng tôi mong muốn chính quyền sớm có giải pháp giải quyết để nhanh có bến phà mới, thuận lợi cho người dân thông thương”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách đã nhiều lần họp, bàn với các ngành và tổ chức đối thoại với các chủ phương tiện để bàn các giải pháp, xử lý mâu thuẫn hoặc sáp nhập bến. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đầu tư mở bến mới tại vị trí khác, đối lưu với tỉnh Trà Vinh. Tại vị trí bến Trà Ếch, chỉ hoạt động đưa rước khách qua cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách.

Ông Huỳnh Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Về việc người dân di chuyển trên những chiếc xuồng qua sông, huyện đã làm việc với UBND xã Nhơn Mỹ và giao cho xã làm việc với các chủ xuồng. Huyện kiên quyết không cho người dân đi trên xuồng qua sông.

Thiết nghĩ trước khi chính quyền hai tỉnh Sóc Trăng – Trà Vinh thống nhất giải pháp xử lý vụ việc của tuyến Trà Ếch – Đường Đức, người dân nên nghĩ đến an toàn của bản thân, an toàn của người thân trước khi quyết định di chuyển bằng xuồng qua bên kia sông để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Hoài Thu (TTXVN)
Phà qua sông Đồng Nai bị chìm, nhiều người thoát nạn
Phà qua sông Đồng Nai bị chìm, nhiều người thoát nạn

Chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai) Trần Bá Đạt cho biết, một chiếc phà đã chìm xuống sông Đồng Nai vào ngày 4/5, nhưng may mắn không gây thương vong về người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN