Siết chặt quản lý xuất bản phẩm

Thời gian qua, thị trường sách liên tục xuất hiện những cuốn sách kém chất lượng, phản cảm, sai phạm nghiêm trọng về lịch sử… đã bị các nhà quản lý “thổi còi”. Điều này, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn sách “độc hại” gây ảnh hưởng tới văn hoá đọc của người dân.


Thật- giả lẫn lộn


Cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường sách cũng phát triển không ngừng đáp ứng phong phú thị hiếu của mọi độc giả. Tuy nhiên, nó cũng nảy sinh nhiều hệ lụy khiến các nhà quản lý xuất bản phải vào cuộc. Cụ thể như việc nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho xuất bản 2 bộ truyện "Thần thoại Hy Lạp" và truyện Thạch Sanh. Đây là sách dành cho thiếu nhi nhưng lại có hình ảnh bạo lực, man rợ, kích động… ảnh hưởng đến tính hiếu động của trẻ em, vì vậy đã bị Cục Xuất bản đã ngừng phát hành. Trước đó, cũng có những bộ sách minh họa với nhiều hình ảnh phản cảm, man rợ… ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ như cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” của NXB Văn hóa – Thông tin, cuốn “Những câu đố vui dành cho trẻ nhanh trí” của NXB Hồng Đức…


“Hiện, điều đáng ngại của ngành xuất bản là sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại sách “vô bổ”, gây xáo trộn thật - giả trên thị trường xuất bản, làm cho một bộ phận người đọc chân chính quay lưng với sách, kéo thấp mặt bằng văn hóa đọc. Đặc biệt, những cuốn sách này ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ thơ. Nguyên nhân của sự xuất hiện các loại sách “vô bổ” là do việc không đầu tư tìm kiếm, tổ chức bản thảo dễ dãi, cẩu thả trong biên tập, bị chi phối trong quá trình liên kết… vì vậy các NXB cho ra thị trường những sản phẩm văn hóa “thứ cấp”, nội dung xào xáo từ sách báo, lượm lặt những câu chuyện giật gân…”, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trường Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết.

Cần siết chặt quản lý hoạt động xuất bản để cho ra những cuốn sách hay cho độc giả.


Trong khi đó, ông Đỗ Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Trí Việt, cho rằng có nhiều nguyên nhân sai phạm dẫn đến nhiều ấn phẩm “độc hại” ra đời gây ra những hệ lụy không hay cho văn hóa đọc. "Trước tiên do văn bản luật thiếu chặt chẽ, chưa sát thực tế tạo kẻ hở để một số đối tác liên kết lợi dụng. Ví dụ như điều 23 quy định đối tác liên kết của nhà xuất bản là tổ chức khác có tư cách pháp nhân. Cụm từ này có phạm vi quá rộng các đối tượng có thể tham gia vào lĩnh vực xuất bản, gồm người trong và ngoài ngành, chuyên ngành và không chuyên nghiệp. Như vậy, “có tư cách pháp nhân” chưa đủ để đơn vị nào đó tạo ra xuất bản phẩm có chất lượng. Thứ hai, hiện nay trừ một số ít nhà xuất bản được cơ quan chủ quản bao cấp lương và cơ sở vật chất, còn đa số phải tự hạch toán và tự nuôi bộ máy. Nhưng phần đông các nhà xuất bản gặp khó khăn về tài chính. Đề tồn tại, họ cần phải cấp nhiều giấy phép để có thu nhập và xây dựng bộ máy siêu gọn nhẹ đến mức không đủ làm việc nên đặt toàn bộ số phận của mình vào công việc của các đối tác liên kết. Thứ ba là do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà xuất bản, để giành được quyền cấp phép, các nhà xuất bản hạ phí biên tập, phí xuất bản dẫn tới biên tập qua loa hoặc không biên tập", ông Thành nói.


Tăng cường thanh kiểm tra


Thực tế cho thấy, những sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm thời gian qua chủ yếu rơi vào các đầu sách liên kết. Ví dụ như cuốn "Đồng dao dành cho trẻ mầm non", liên kết giữa NXB Mỹ thuật và Công ty Văn hóa Đinh Tỵ hay cuốn “Bản đồ và vùng đất” liên kết giữa NXB Văn học và công ty Nhã Nam…


Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Qua thực tế cấp phép, có một số sự việc mà từ đó có căn cứ kết luận tồn tại hiện tượng “bán giấy phép”. Đó là một số đối tác liên kết tỏ ra “khó chịu” khi NXB Đại học Sư phạm biên tập kỹ. Họ muốn có giấy phép nhanh để kịp in và phát hành, thậm chí lo lắng “tốn kém” vì phải in bản thảo và đi lại nhiều lần, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng bản thảo. Khi NXB yêu cầu sửa chữa, họ bức xúc và so sánh tiến độ cấp phép của chúng tôi với một số nhà xuất bản khác. Thậm chí có đối tác còn khẳng định có NXB họ đưa bản thảo buổi chiều, sáng hôm sau là có giấy phép. Chúng tôi không hiểu bằng cách nào lại có thể nhanh như vậy, vì riêng việc đăng ký với Cục Xuất bản, in và phát hành và được Cục xác nhận kế hoạch xuất bản theo quy định là 7 ngày làm việc”.


Vì vậy, theo ông Hà, các cơ quan chủ quản cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với hoạt động của NXB, tránh tình trạng “hữu sinh, vô dưỡng”, các NXB tự bươn chải để tồn tại. Bên cạnh đó, các NXB phải tự ý thức trách nhiệm trong phát triển đội ngũ biên tập viên đảm bảo chất lượng, số lượng; tự rà soát quy trình hoạt động của mình, khắc phục những thiếu sót, hạn chế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động của NXB theo hướng giúp đỡ, nhắc nhở, hướng dẫn…


“Cần tập trung tăng cường quản lý hoạt động liên kết xuất bản và xử lý nghiêm những sai phạm trong liên kết xuất bản. Thanh tra xuất bản cần rà soát và phân loại các doanh nghiệp có hoạt động liên kết xuất bản. NXB căn cứ vào kết quả phân loại này để cấp phép cho phù hợp. Theo đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá là quy mô, chất lượng đội ngũ biên tập viên. Mặt khác cần phát huy vai trò của Hội xuất bản trong tổ chức các sinh hoạt chuyên môn về nghiệp vụ xuất bản", ông Vũ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Văn Lang, chia sẻ.


Hoàng Tuyết (Tin Tức)
Xử phạt các đơn vị, cá nhân có vi phạm trong hoạt động báo chí

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt đối với các đơn vị báo Tuổi trẻ Thủ đô, báo điện tử Người đưa tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN