Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về việc đảm bảo an sinh xã hội và nghiên cứu để có phương án riêng của tỉnh. Các địa phương, nhất là những thành phố, thị xã, những nơi có đông công nhân lao động phải vận động xã hội hóa sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ một phần nhằm chia sẻ khó khăn với những người dân sinh sống bằng việc bán hàng rong, đời sống và thu nhập bị ảnh hưởng trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Trước mắt, tỉnh sẽ trích kinh phí hỗ trợ cho những người khó khăn và mua trang thiết bị cho các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Người đứng đầu tỉnh Hải Dương khẳng định: qua 5 ngày triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hải Dương cơ bản thực hiện tốt và có những cách tiếp cận và triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hệ thống truyền thanh cơ sở phát huy rất hiệu quả trong việc tuyên truyền những hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch COVID-19 và phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đại bộ phận nhân dân đã thay đổi nhận thức, hưởng ứng và chấp hành các quy định về giãn cách xã hội, thay đổi nếp sinh hoạt và làm việc phù hợp, cuộc sống người dân không có sự xáo trộn lớn. Hàng hóa, nhu yếu phẩm dồi dào, đảm bảo nhu cầu của người dân địa phương.
Đến ngày 5/4, Hải Dương đã thành lập 800 chốt kiểm soát dịch bệnh trên toàn tỉnh. Trong đó có 29 chốt cấp tỉnh, 84 chốt cấp huyện và 687 chốt cấp xã với tổng số trên 7.000 người tham gia. Các chốt hoạt động 24/24h kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn. Nhìn chung, từ khi Chỉ thị 16/CT-TTg có hiệu lực, lượng người và phương tiện lưu thông trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Những xe chở công nhân theo hợp đồng của các doanh nghiệp đã tuân thủ việc chở 50% công suất. Các chốt đã kiểm soát trên 234.000 lượt người, phát hiện 78 người có nhiệt độ trên 37,5 độ C và báo cho các cơ sở y tế để xử lý theo quy định, gần 300 trường hợp không đeo khẩu trang; xử lý 1 trường hợp đang trên đường vận chuyển 3.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như: thiếu trang thiết bị y tế tại các chốt kiểm soát; chưa có cách hiểu thống nhất giữa các địa phương về danh mục các mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa đảm bảo được việc duy trì khoảng cách giữa những người lao động trong quá trình sản xuất; một số người dân có cửa hàng kinh doanh gắn với nhà ở nên chưa chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động buôn bán; một số chốt kiểm soát dịch bệnh ở cấp xã sau 23h hàng ngày hầu như không có người dân qua lại nhưng vẫn duy trì trực 24/24…
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nhân dân trong tỉnh không được lơ là với dịch bệnh. Bên cạnh tình hình chung của thế giới, của trong nước, cần tuyên truyền về thực tế tại địa phương và khu dân cư để người dân nắm bắt được. Đặc biệt, thông tin kịp thời những trường hợp từ vùng dịch trở về hoặc trường hợp thuộc diện phải theo dõi y tế để người dân giám sát tốt và hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Ngành công an và các địa phương cần tiếp tục rà soát lại tình hình hoạt động của các chốt kiểm soát để có những điều chỉnh về số lượng người tham gia và thời gian hoạt động cho phù hợp với thực tế với tinh thần huy động lực lượng tại chỗ là chính; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang; tiến hành kiểm tra giấy tờ tùy thân đối với những trường hợp ra đường sau 22h; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường yêu cầu các doanh nghiệp đang sản xuất phải chấp hành nghiêm việc đo thân nhiệt, giữ khoảng cách cho người lao động…
Đến hết ngày 4/4, tỉnh Hải Dương có 625 người đang được cách ly, trong đó 77 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế và 548 người cách ly tại nơi ở, nơi cư trú.