Trong đó, 3 vụ tai nạn sáng sớm ngày 23/7 tại địa bàn xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, diễn ra liên tục chỉ trong chưa đầy 2 giờ, làm 7 người chết, 2 người bị thương, không chỉ để lại ký ức kinh hoàng đối với người dân sống ven QL5, mà gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng về tình trạng TNGT trên QL5.
Theo ghi nhận của phóng viên, điểm giao cắt tại Km 63+300 trên QL5 đi qua xã Cộng Hòa (nơi xảy ra vụ tai nạn làm 9 người thương vong) là một lối mở dân sinh tồn tại từ khi QL5 mới hình thành. Đây là lối mở để người dân các thôn Lai Khê, Thái Liên của xã Cộng Hòa băng qua quốc lộ. Còn trên dọc QL5 hiện có hàng chục lối mở khác tương tự, nhưng lâu nay không được xóa bỏ, luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT do người dân tự ý băng qua đường. Chỉ khi có tai nạn xảy ra, các “điểm đen” tại nạn này mới được nhắc tới.
Lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực trên tuyến QL5 cho hay, nguyên nhân của các vụ TNGT xảy ra từ trước đến nay chủ yếu là do các “hung thần xa lộ" như xe container, xe tải, xe khách chạy ẩu, thường xuyên lấn làn, quá tốc độ cho phép. Chính các “hung thần xa lộ” này hàng ngày "cày ải” tuyến đường với mật độ dày đặc, cơi nới thành thùng xe chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định… đã khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Việc có quá nhiều lối mở đấu nối trực tiếp vào QL, khiến người dân các địa phương luôn phải đối mặt với nguy cơ TNGT bất ngờ.
Thực tế, QL5 đã khai thác trên 21 năm, nhưng chưa một lần được sửa chữa lớn, nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, hai bên đường, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, các loại hình dịch vụ phát triển mạnh và đấu nối trực tiếp, khiến QL5 giống như một tuyến phố dài, với gần 150 điểm đấu nối giữa QL5 với các QL khác và đường tỉnh, đường huyện, đường xã.
Trong khi đó, việc cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện hạ tầng QL5 chưa theo kịp với mức độ gia tăng phương tiện và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua. Tình trạng mặt đường lồi lõm, "sống trâu" diễn ra hầu hết trên tuyến, nhưng chậm được sửa chữa thường xuyên. Hệ thống báo hiệu đường bộ, sơn vạch kẻ đường không được rà soát, sửa chữa, thay thế, điều chỉnh và bổ sung kịp thời, công tác bảo trì chưa được quan tâm tương xứng…
Theo đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - đơn vị quản lý QL5) thì QL5 hiện đã quá tải từ lâu, đang xuống cấp trầm trọng. Lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí QL5 thường xuyên đạt khoảng 60.000 xe quy đổi/ngày đêm (chưa kể số lượng xe không qua trạm). Việc sửa chữa lớn trên toàn tuyến đường hiện nay phụ thuộc vào kinh phí cấp của Nhà nước, trong khi các công tác quản lý hệ thống tín hiệu, báo hiệu trên tuyến thuộc thẩm quyền của các địa phương. Vidifi có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương quản lý phương tiện lưu thông và bảo trì tuyến đường theo thẩm quyền.
Sau hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng gần đây, đặc biệt là 3 vụ TNGT sáng ngày 23/7, Vidifi đã lên kế hoạch xử lý cấp bách. Cụ thể, tại ngã tư Km63+530, đơn vị sẽ bổ sung sơn vạch đi bộ qua đường và vạch dừng (sơn màu trắng); sơn vạch mắt võng cho làn trong (làn xe máy) màu vàng rộng 30 cm; sơn vạch gờ giảm tốc trên QL5 theo 2 chiều đi về; gần sát vạch người đi bộ bố trí 1 cụm 7 vạch rộng 20 cm màu vàng, dày 6 mm; các vạch bố trí trên cả phần đường cơ giới và xe máy.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ cho lắp đặt đinh phản quang ở vạch biên sát dải phân cách giữa khu vực đầu đảo và đinh giữa làn xe thô sơ - xe cơ giới, trong phạm vi khoảng 200 m về mỗi phía; đồng thời cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 Km/giờ) và hết hạn chế tốc độ (gồm biển ở lề đường và ở dải phân cách giữa), liên tục cho cả 2 nút giao Km63+020 và Km63+530, biển đặt trước nút giao đầu theo chiều đi 200 m và hết hạn chế sau nút giao; sửa chữa lại bó vỉa đảo và rào tôn sóng bị hư hỏng. Thời gian sửa chữa xong trước 30/7/2019.
Ngoài ra, Vidifi sẽ lập hồ sơ thiết kế cầu vượt dân sinh (cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ) vượt qua QL5 và đường sắt tại Km63+530; tổ chức lại giao thông 2 nút giao trước và sau vị trí ngã tư (tại Km63+020; Km64+620) theo hướng lắp đèn tín hiệu giao thông, để trình Bộ GTVT xem xét phương án trước ngày 10/8/2019.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, QL5 hiện nay có quá nhiều khu dân cư sinh sống ven QL. Trên tuyến đường này tồn tại quá nhiều điểm mở, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, do đó cần có các giải pháp khắc phục đồng bộ. Ngoài việc Vidifi đã và đang thực hiện các phương án bảo dưỡng, sửa chữa tổng thể, với tổng kinh phí lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, thì các cơ quan liên quan tại địa phương cần rà soát và quy hoạch lại các đường nhánh, quy định điểm mở, xây gấp các cầu vượt. Bên cạnh đó, ngành Giao thông các tỉnh, thành phố có QL5 đi qua như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng phải nghiên cứu cắm biển khu đông dân cư, cắm biển hạn chế tốc độ, biển báo… để giảm thiểu TNGT.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, ngay trong năm 2019, tập trung nguồn lực và chịu trách nhiệm xóa các "điểm đen" trên tuyến, nhất là "điểm đen" qua xã Cộng Hòa ("Điểm đen" được định nghĩa là nơi thường xảy ra TNGT, có 2 vụ TNGT có người chết...); đồng thời, phối hợp với các địa phương có QL5 đi qua, nghiên cứu các vị trí có mặt bằng, có thể làm được đường riêng cho xe hai bánh và người đi bộ thì dùng Quỹ Bảo trì đường bộ xử lý và xem xét lại đường ngang nào có lưu lượng lớn thì làm cầu vượt cho người đi bộ. Kinh phí thực hiện đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2026.
Liên quan đến 3 vụ TNGT thảm khốc ở Hải Dương ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; đặc biệt là kiểm tra vi phạm nồng độ cồn và ma túy đối với toàn bộ lái xe trong các vụ tai nạn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vidifi, Sở GTVT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng kiểm tra, đưa vào dự án trùng tu QL5 việc nâng cấp điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tuyến, như: Tổ chức giao thông, cắm biển hạn chế tốc độ, làm gờ giảm tốc tại các vị trí điểm mở dải phân cách và qua các khu vực đông dân cư, xây dựng cầu vượt nhẹ…