Ông Nguyễn Minh Tài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh khẳng định: Hiện nay, toàn bộ các dự án nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch làm các bến cảng tại Dung Quất dôi dư khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét… Riêng tại cảng chuyên dụng của Hòa Phát là 15,3 triệu m3, đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường chấp thuận cho nhận chìm xuống biển. Do đó, hiện còn khoảng 12 triệu m3 của các đơn vị: cảng Hào Hưng (4 triệu m3), cảng tổng hợp container (6 triệu m3), dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu m3. Để giải quyết số lượng vật chất dôi dư còn lại này, lãnh đạo tỉnh đã chủ động tìm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất phương án sử dụng để làm vật liệu san lấp cho các công trình ở khu vực vùng trũng và bị nhiễm mặn.
Ông Lê Văn Lý, đại diện Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi khẳng định: Chúng tôi ủng hộ phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ, có thể dùng để san lấp. Hiện bãi chứa của công ty đã đầy nên chưa thể tiếp tục nạo vét cảng với khối lượng khoảng 4 triệu m3, trong khi nhu cầu nạo vét tạo độ sâu luồng tàu vào ra là rất bức thiết.
Đại diện cảng vụ Dung Quất cũng cho rằng: Không chỉ Dung Quất mà tại các cảng biển trong cả nước, việc nhận chìm vật chất nạo vét là cực kỳ khó khăn. Cục Hàng hải luôn ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ. Ngoài cát có thể san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng. Vì vậy đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm quy hoạch, xây dựng các bãi thải để chứa những chất không thể san lấp hay nhận chìm.
Liên quan đến thông tin tỉnh Quảng Ngãi bất nhất trong việc cấp phép nhận chìm vật chất ở Dung Quất gây khó khăn cho nhà đầu tư mà một số báo điện tử, mạng xã hội thông tin, ông Nguyễn Minh Tài khẳng định: Không có chuyện tỉnh Quảng Ngãi “quay ngoắt” trong việc Hòa Phát xin nhận chìm vật chất nạo vét xuống vùng biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Dung Quất. Hòa Phát cứ thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét theo tiến độ; đồng thời khi tiến hành nhận chìm phải tuân thủ trên cơ sở quy định và theo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, không để xảy ra việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự…
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn khẳng định: Quan điểm của địa phương là nhất quán, làm sao để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; không có chuyện quay ngoắt hay làm khó doanh nghiệp. Hòa Phát đã có giấy phép nhận chìm vật chất thì doanh nghiệp cứ tiến hành theo lộ trình. Nhưng nếu gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài khẳng định: Các doanh nghiệp được phép nạo vét trong khu vực cảng Dung Quất phải đăng ký với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất về nhu cầu, lộ trình, khối lượng, đặc tính của vật chất nạo vét để xây dựng kế hoạch chung cho toàn bộ khu vực cảng, tránh chồng chéo, cản trở nhau. Các doanh nghiệp cần cát nhiễm mặn để san lấp cũng phải có văn bản đăng ký nhu cầu; địa điểm san lấp phải có ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong Khu kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất sẽ xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định.