Theo đó, chính quyền huyện Đại Lộc yêu cầu nhà máy dừng hoạt động cho đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra, việc xử lý môi trường kết thúc thì mới được hoạt động trở lại. Ông Đoàn Kim Bình, Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND xã Đại Tân đã chủ trì, cùng lãnh đạo nhà máy đối thoại với người dân. Nhà máy cam kết sẽ đóng hồ sinh thái lại để khắc phục sự cố dầu fusel rò rỉ ra môi trường, đồng thời ngừng hoạt động nhà máy. Người dân địa phương cũng kiến nghị được đối thoại trực tiếp với đại diện cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân hoạt động để được giải thích về quy trình hoạt động của nhà máy.
Đại tá Nguyễn Giới - Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết: Theo báo cáo, sự cố môi trường tại Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân là do công nhân vận hành trong quá trình chiết xuất dầu fusel đã đổ ra môi trường khiến không khí bị ô nhiễm nặng. Cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà máy phải khẩn trương khắc phục sự cố, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực.
Trước đó, sáng 19/9, người dân ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) kéo đến Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân đóng tại địa phương này phản ánh về sự cố trong quá trình chiết xuất dầu fusel đã thoát ra môi trường. Nhiều người dân trong xã sống ở gần nhà máy thấy mùi hôi nồng nặc, khiến bà con lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, 50 tuổi, trú tại thôn Nam Phước, khoảng 2 giờ ngày 19/9, bất ngờ xuất hiện mùi hôi nồng nặc khiến gia đình bà không thể nào ngủ được. Sợ mùi hôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ, gia đình bà phải chở con đi nơi khác để ngủ nhờ. Còn bà Ngô Thị Năm, 54 tuổi, người dân thôn Nam Phước chia sẻ, các cháu nhỏ khi ngửi mùi hôi nồng nặc thì có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn khiến gia đình hốt hoảng.
Do mùi hôi khó chịu nên nhiều người dân tại khu vực xã Đại Tân đã bỏ công việc, kéo đến trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân phản đối không cho xe tải chở các nguyên vật liệu ra vào, yêu cầu lãnh đạo nhà máy sớm giải quyết tình trạng trên.