Ngư dân xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) tích cực vươn khơi bám biển, khai thác hải sản. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những xã có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn và hùng hậu bậc nhất tỉnh Quảng Bình. Sau những thăng trầm, khó khăn, người dân vẫn quyết tâm bám biển, nỗ lực vượt khó, cố gắng vực dậy, giữ gìn và phát triển nghề nghiệp của cha ông.
Ông Nguyễn Tất Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Trạch phấn khởi thông tin: Toàn xã có khoảng 500 tàu với tổng công suất trên 164.700CV, trong đó có 4 tàu vỏ thép. Ngư nghiệp chiếm 90% tỷ trọng kinh tế địa phương, với khoảng 2.000 lao động tham gia đánh bắt trên biển. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương vận động ngư dân tích cực vươn khơi bám biển; phát huy mô hình các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển để tương trợ, giúp nhau tìm thông tin về ngư trường khai thác.
Nhờ sự đồng thuận, đoàn kết, nỗ lực của chính quyền và nhân dân, năm 2017, sản lượng đánh bắt thủy hải sản thu được gần 11.700 tấn, đạt 137% kế hoạch; 65% hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Hầu hết các tàu có công suất lớn đều cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm, nhiều tàu đạt 5-7 tỷ đồng; các thuyền viên thu nhập bình quân từ 60-120 triệu đồng/năm/lao động.
Ngư dân Đức Trạch mạnh dạn đầu tư đóng mới hàng chục tàu cá công suất lớn, bổ sung thêm cho đội tàu hùng hậu của địa phương. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 36 tàu cá, công suất từ 500-900CV được đóng mới và hạ thủy thành công. Hiện có gần 700 lượt tàu đã được thẩm định làm thủ tục hỗ trợ kinh phí dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 77,4 tỷ đồng. Địa phương cũng đã thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển cho người dân theo quy định.
Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hiện có trên 1.400 tàu, trong đó 608 tàu khai thác biển. Trước khó khăn do sự cố môi trường biển, để tiếp tục động viên bà con đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, địa phương thực hiện tốt chính sách đền bù hỗ trợ, vừa có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân trở lại với nghề.
Ngư dân Mai Văn Tuấn ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh hiện sở hữu hai tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất của huyện, giá trị đầu tư trên 26 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền bồi thường, anh Tuấn mua sắm, nâng cấp ngư lưới cụ, thiết bị hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt thủy hải sản hiệu quả hơn. Hiện hai tàu cá của gia đình anh cho tổng doanh thu trung bình đạt từ 7-8 tỷ đồng/năm, thu lãi 3-4 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 22-25 lao động, với thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Năm 2018, huyện phấn đấu sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 3.800 tấn. Để nâng cao năng lực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đồng hành, động viên ngư dân chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn và trang bị phương tiện, ngư lưới cụ vươn khơi; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện kế hoạch hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa với việc thành lập các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển vừa hợp tác đánh bắt vừa hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.000 tàu cá khai thác thủy hải sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.359 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 71.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016 (trong đó sản lượng khai thác gần 59.500 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản trên 11.600 tấn).
Số lượng tàu đóng mới, cải hoán, nâng cấp công suất lớn cũng tăng nhanh, cụ thể trong năm có 86 tàu cá đóng mới (công suất trên 700CV), nâng tổng công suất lên 710.000 CV, tăng 24,5% so cùng kỳ năm 2016. Ngư trường khai khác chuyển mạnh sang vùng biển xa cho hiệu quả cao, giảm cường lực khai thác vùng ven bờ, vụng lộng…
Năm 2018, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất, ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến, cảng, khu neo đậu và chợ cá; hạn chế nghề khai thác ven bờ; tăng cường đầu tư thiết bị trên tàu để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất, đảm bảo chất lượng.