Phòng chống ngộ độc rượu - Bài 1: Nhiều người tử vong vì hàm lượng methanol 'ngất ngưởng'

Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, đặc biệt là khi Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng.

Trung tâm Chống độc – bệnh viện Bạch Mai liên tục nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân bị ngộ độc liên quan đến rượu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Theo Cục An toàn thực (Bộ Y tế), giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn với 193 người mắc, 34 người chết và có 22/63 (chiếm 34,9%) tỉnh, thành phố có ngộ độc rượu. So với giai đoạn 2007-2012, số vụ và số trường hợp mắc ngộ độc rượu không thay đổi nhiều. Nhưng chỉ riêng trong tháng 1/2018, đã có 12 ca ngộ độc do dùng rượu có cồn methanol phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; trong đó có 4 ca đã tử vong.

Tăng đột biến từ năm 2017


Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết người; 33% vụ hiếp dâm; 18% số vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu, bia (như: gan, dạ dày, tim mạch...). Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Việt Nam), tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 - 6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Năm 2017, cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm; hộ gia đình sản xuất ước tính có khoảng 250 triệu lít/năm. Theo kế hoạch, tại Việt Nam, đến năm 2025, sản lượng đạt 440 triệu lít rượu được sản xuất công nghiệp.

Số trường hợp mắc, chết, đi viện do ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016, tuy nhiên tăng đột biến vào năm 2017. Ngộ độc do uống rượu ở Việt Nam trong những năm gần đây được ghi nhận từ 1 – 7 vụ/năm (chiếm 1,5–2,1% số vụ ngộ độc thực phẩm/năm). Trong đó,  rượu trắng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu cao nhất với 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36,0%, rượu ngâm củ ấu là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%... Số mắc và chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 (đầu năm mới và lễ hội xuân) và vào tháng 10 đến  tháng 12.

Các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu xảy ra nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Độ tuổi mắc ngộ độc chủ yếu là nhóm từ 15-49 tuổi. Hai loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc etylic (còn gọi là rượu ethanol) và ngộ độc cồn methylic (methanol). Đặc biệt, năm 2017, tình hình ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao tăng đột biến với 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người tử vong.

Phát hiện nhiều sản phẩm rượu bia không đảm bảo an toàn

Nhân viên y tế lấy mẫu rượu tại nhà hàng kinh doanh ăn uống khu vực Quận Hà Đông và tiến hành xét nghiệm ngay trên xe lưu động (chụp sáng 22/3/2017). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đại diện Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết: Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ ngộ độc vẫn diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ ngộ độc rượu tại Ninh Thuận làm 5 người tử vong vào tháng 5/2013; vụ ngộ độc rượu làm 6 người tử vong tại Quảng Ninh vào tháng 12/2013; vụ ngộ độc rượu xảy ra tại Lai Châu tháng 2/2017 làm 10 người tử vong và hơn 40 người khác phải nhập viện điều trị. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ tháng 2 đến 5/2017 đã ghi nhận 31 bệnh nhân ngộ độc rượu có chứa methanol, làm 5 người tử vong.

Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng Cục Cảnh sát, Công an các tỉnh, thành phố giao Cảnh sát Môi trường là lực lượng nòng cốt phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục đồng loạt ra quân tổng rà soát, lên danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, tuyên truyền, kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có vi phạm pháp luật theo qui định. Từ ngày 10/3 đến ngày 30/6/2017, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý 468 vụ với 470 đối tượng; phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 239 vụ với 235 đối tượng; đình chỉ hoạt động sản xuất 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; tạm giữ 66.246 lít cồn, rượu; tịch thu, tiêu huỷ hơn 51.600 lít rượu, trên 1.500 kg men rượu, trên 2.000 chai bia, 408 lon bia và trên 7.000 chai rượu không đảm bảo chất lượng.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bị xử lý do các vi phạm như: Sản xuất các loại rượu “nhái”; vi phạm các qui định về sở hữu công nghiệp của một số thương hiệu nổi tiếng ở trong nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ; sử dụng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc các chai rượu ngoại có giá thành rẻ để sản xuất các loại rượu ngoại giả có giá thành, giá trị cao hơn; sử dụng các loại nguyên liệu, nguồn mem nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm tăng nồng độ cồn; pha chế các hóa chất (cồn công nghiệp) vào các loại cồn thực phẩm để tăng nồng độ rượu; quảng cáo và bán các loại rượu bổ với công dụng bồi bổ sức khỏe, các loại máy lọc rượu với công dụng có thể khử hết độc tố nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Bài 2: Tăng cường phối hợp liên ngành phòng chống ngộ độc rượu dịp Tết

Thu Phương (TTXVN)
Tết Nguyên đán, lo ngại ngộ độc rượu gia tăng
Tết Nguyên đán, lo ngại ngộ độc rượu gia tăng

Rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) hàm lượng cao đang tràn lan trên thị trường là nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc rượu, làm nhiều người chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN