Phim truyền thông thể hiện một loạt các hành vi có thể là vi phạm về ĐVHD của nhiều người ở những độ tuổi, giới tính và địa vị xã hội khác nhau. Trong số đó, có những người lầm tưởng rằng mình đang làm một việc hết sức bình thường mà không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc.
Bà Nguyễn Phương Dung – Phó Giám đốc, ENV chia sẻ: “Những hành động tưởng chừng như vô hại như sử dụng thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD, đeo trang sức ngà voi, trang trí nhà cửa bằng tiêu bản ĐVHD, nuôi khỉ làm thú cưng, tàng trữ hay quảng cáo bán chim hoang dã trên Internet... thực tế lại là mối đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước”.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, ENV đã ghi nhận 2.760 vụ việc với 8.661 vi phạm về ĐVHD. Cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 2.000 cá thể ĐVHD còn sống và bắt giữ các đối tượng có liên quan trong 110 vụ vi phạm. Trong số 145 vụ án về ĐVHD được đưa ra xét xử trong giai đoạn này, hình phạt tù đã được áp dụng cho các đối tượng phạm tội của 63 vụ án. Cũng trong thời gian này, ENV ghi nhận được tổng mức phạt hành chính được áp dụng cho các đối tượng quảng cáo, nuôi nhốt và buôn bán ĐVHD trái phép là 13,4 tỷ đồng.
“Hiểu rõ quy định pháp luật và không buôn bán, nuôi nhốt hoặc tiêu thụ ĐVHD trái phép để tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc”, đại diện ENV cảnh báo.